Tuyên xưng Đức Ki-tô Phục sinh là thành phần cốt lõi của đức tin Ki-tô giáo, đến nỗi có thể khẳng định Ki-tô giáo là một tôn giáo khởi đi từ biến cố Phục sinh của Đức Ki-tô. Trong xã hội tục hoá và vô thần hôm nay, việc nói đến một người đã chết, đã chôn trong mồ, rồi ba ngày sau sống lại, sẽ bị coi là ảo tưởng viển vông và nhảm nhí. Tuy vậy, bất chấp mọi con sóng ác liệt của sự vô tín, Giáo Hội Công giáo vẫn vững vàng tuyên xưng: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa đã chịu chết, chúng con tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến”.
Xét theo khía cạnh loài người, việc một người đã chết ba ngày rồi sống lại đúng thật là một điều không tưởng. Tuy vậy, nếu chúng ta tin vào Thiên Chúa là Đấng quyền năng, thì việc làm cho một người đã chết rồi sống lại là một điều đơn giản và bình thường đối với Ngài, bởi lẽ “đối với Chúa, không có gì là không làm được”. Thiên Chúa là Chúa của những điều không thể. Ngài làm cho những điều không thể, thành những điều có thể. Đức tin của chúng ta không đặt nền trên những nhân vật trần thế hoặc những quy luật của thế giới vật chất, nhưng đặt nền tảng trên chính Thiên Chúa là Đấng quyền năng.
Đối với người Ki-tô hữu, chúng ta không đặt vấn nạn “Đức Ki-tô sống lại như thế nào?”, mà là vấn nạn “Đức Ki-tô sống lại để làm gì?”, tức là chúng ta đi tìm ý nghĩa và mục đích của biến cố Phục sinh.
Tông đồ Tô-ma là người đại diện cho trường phái “hiện thực – Realism”, tức là chỉ tin vào những điều mình cảm nhận bằng giác quan, như nhìn thấy, nghe thấy và chạm tới. Chính vì thế, ông đòi bằng được các chứng từ cụ thể của giác quan, như thọc bàn tay vào cạnh sườn Chúa và xỏ ngón tay vào lỗ đinh ở bàn tay Người. Tô-ma cũng như các anh em, đã trực tiếp nhìn thấy Thầy mình bị tra tấn và giết chết. Có thể ông cũng đã chứng kiến (hoặc đã nghe nói) về vết thương ở cạnh sườn Chúa. Những điều kiện ông yêu cầu rất thiết thực và chính đáng. Chúa Giê-su chấp nhận bước vào cuộc thách đố của con người. Người đã hiện ra và đáp ứng những điều kiện của ông Tô-ma. Một số bức tranh nghệ thuật trình bày ông Tô-ma lấy ngón tay trỏ thọc vào vết thương ở cạnh sườn Chúa Giê-su. Tuy nhiên chi tiết này không thực, vì như chúng ta nghe trong Tin Mừng thánh Gio-an, ông Tô-ma chẳng còn tâm trạng nào khi thấy Chúa. Ông run rẩy sợ hãi. Ông có ngờ đâu những thách thức của mình lại được Chúa đáp ứng. Ông chỉ còn lắp bắp thưa với Chúa: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”. Đây vừa là lời tuyên xưng đức tin, vừa là lời thú tội để xin Chúa tha thứ cho sự cứng lòng của mình. Sự tự tin trước đây đã bị thay thế bằng tâm trạng hoảng sợ và thành kính van xin.
Sự kính sợ cũng là tâm trạng của các tín hữu sơ khai. Tác giả sách Công vụ Tông đồ đã viết: “Mọi người đều kính sợ, vì các Tông Đồ là nhiều điềm thiêng dấu lạ”. Đây không phải là tâm trạng hoang mang, mà là sự ngưỡng mộ và tôn kính của các tín hữu, vì họ tin Đức Giê-su phục sinh đang hiện diện giữa cộng đoàn tín hữu. Chính Người ban cho các Tông Đồ quyền năng và sức mạnh thần thiêng, để các ông có thể làm được những phép lạ, như Chúa Giê-su đã làm trước đây. Nhờ sự hiện diện của Đấng Phục sinh mà lời giảng dạy của các ông có sức thuyết phục người nghe, thúc đẩy họ gia nhập Đạo Chúa. Những ai đã tin Chúa thì sống trong hân hoan vui mừng và hăng say thực thi bác ái.
Chúa nhật II Phục sinh cũng là Chúa nhật của Lòng Thương Xót của Chúa. Cầu nguyện và tôn vinh Lòng Thương Xót của Chúa là một hình thức đạo đức bình dân, khởi đi từ sáng kiến của Thánh Gioan Phaolô II Giáo Hoàng, dựa trên những mạc khải tư Chúa đã tỏ cho thánh nữ Faustina Kowalska (1905-1938), một nữ tu người Ba Lan, thuộc Dòng Các Nữ tu Ðức Trinh Nữ rất thánh, Mẹ của lòng Thương xót. Chúa Giê-su đã nhiều lần hiện ra với nữ tu Faustina và nhận bà là “Thư ký của Lòng Thương Xót”. Trong một lần hiện ra, Chúa Giê-su đã nói với bà:“ Hỡi thư ký của Cha, con hãy viết rằng: Cha rộng lượng với các tội nhân hơn với người công chính. Vì họ, Cha đã từ trời xuống thế; vì họ Cha đã đổ máu ra. Chớ gì họ đừng sợ hãi khi đến gần Cha; họ rất cần đến Lòng Thương Xót của Cha (Nhật ký, số 1275). Trong Nhật ký tâm hồn của mình, chính thánh Faustina thuật lại những điều Chúa đã thực hiện nơi thánh nữ vì ơn ích của tất cả mọi người: lắng nghe Chúa, Đấng là Tình yêu và Thương xót, thánh Faustina hiểu rằng sự khốn khổ của con người không thể sánh với lòng thương xót không ngừng tuôn tràn từ trái tim của Chúa Ki-tô. Do đó, thánh nữ đã trở thành nguồn cảm hứng cho một phong trào loan báo và cầu khẩn Lòng Chúa thương xót trên toàn thế giới.
Một số người đã hiểu tôn kính Lòng Thương Xót của Chúa là một phương pháp chữa những chứng bệnh hiểm nghèo. Do đó mà có sự lạm dụng, làm lệch lạc ý nghĩa của hình thức đạo đức này. Tôn vinh Lòng Thương Xót của Chúa giúp ta cảm nhận tình yêu thương vô biên của Ngài, thể hiện qua công trình sáng tạo và công trình cứu chuộc, đồng thời mời gọi chúng ta hãy thực thi lòng thương xót với anh chị em. Đã có rất nhiều người được ơn, khi họ thành tâm cầu nguyện với Lòng Thương Xót của Chúa. Điều đó thật chính đáng và hợp lý, vì Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương.
“Phúc thay những người không thấy mà tin”. Xin Chúa cho chúng ta niềm xác tín vào sự Phục sinh của Đức Ki-tô Con Chúa. Qua Đấng Phục sinh, chúng ta đón nhận muôn ơn lành do lòng Thương Xót của Chúa Tình Yêu. Amen.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên