Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha đã quảng diễn bài Tin mừng Chúa nhật thứ III Mùa chay A, thuật lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ xứ Samaria (Ga 4,5-42). Đức Thánh cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Đoạn Tin Mừng Chúa nhật hôm nay, thứ III Mùa chay, kể lại cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với một phụ nữ xứ Samaria. Chúa đang đi với các môn đệ và dừng lại gần một giếng nước ở miền Samaria. Người dân xứ Samaria, vốn bị người Do thái coi là những người lạc giáo và rất khinh rẻ. Chúa Giêsu mệt và khát. Có một phụ nữ đến kín nước và Chúa nói với bà ấy: “Xin cho tôi uống”. Thế là, vượt qua mọi hàng rào, Chúa bắt đầu cuộc đối thoại, qua đó Ngài tỏ lộ cho phụ nữ ấy 'mầu nhiệm nước hằng sống', nghĩa là mầu nhiệm Thánh Linh, hồng ân của Thiên Chúa. Thực vậy, trước phản ứng ngạc nhiên của phụ nữ ấy, Chúa Giêsu đáp: “Giả sử bà biết hồng ân của Thiên Chúa và ai là người nói với bà: “Xin hãy cho tôi uống!”, thì bà sẽ xin người ấy và người sẽ cho bà nước hằng sống”.
Nơi trọng tâm cuộc đối thoại này là nước. Một đàng, nước như một yếu tố thiết yếu, thỏa mãn cơn khát của thân thể và nâng đỡ sự sống. Đàng khác, nước như biểu tượng ơn thánh của Chúa, ban sự sống đời đời. Trong truyền thống Kinh thánh, Thiên Chúa là nguồn mạch nước hằng sống: vì thế xa lìa Chúa và Luật của Ngài sẽ dẫn tới sự khô cằn tệ hại. Đó là kinh nghiệm của dân Israel trong sa mạc. Trên con đường tiến về tự do, dân Chúa khát nước, phản đối chống Môisê và chống Thiên Chúa vì không có nước. Bấy giờ, tuân theo ý của Thiên Chúa, Môisê làm cho nước chảy ra từ một tảng đá, như dấu hiệu sự quan phòng của Thiên Chúa đối với dân của Ngài và ban cho họ sự sống.
Và thánh Phaolô Tông đồ giải thích, tảng đá đó như biểu tượng Chúa Kitô, đúng hơn, như một hình ảnh huyền nhiệm về sự hiện diện của Chúa giữa dân Ngài đang lữ hành (Xc. 1 Cr 10,4). Thực vậy, theo thị kiến của các ngôn sứ, Chúa Kitô là Đền Thờ, từ đó nảy sinh Thánh Linh, Đấng thanh tẩy và ban sự sống. Ai khao khát ơn cứu độ thì có thể kín múc nhưng không nơi Chúa Giêsu và, nơi họ, Thánh Linh sẽ trở thành một nguồn sống sung mãn và vĩnh cửu. Lời hứa nước hằng sống mà Chúa Giêsu nói với người phụ nữ xứ Samaria trở thành thực tại trong cuộc phục sinh của Ngài: từ cạnh sườn bị đâm thâu qua của Ngài có “máu và nước chảy ra” (Ga 19,34). Chúa Kitô, Chiên bị sát tế và sống lại, chính là nguồn mạch từ đó nảy sinh Thánh Linh, Đấng tha thứ tội lỗi và tái sinh vào một đời sống mới.
Hồng ân này cũng là nguồn mạch việc làm chứng tá. Như phụ nữ xứ Samaria, hễ ai đích thân được gặp Chúa Giêsu hằng sống thì cũng cảm thấy cần kể lại điều ấy với những người khác, để tất cả được tuyên xưng rằng Chúa Giêsu “thực là Đấng Cứu Độ trần gian”, như những người đồng hương của người phụ nữ ấy đã nói. Cả chúng ta, sau khi được sinh vào một cuộc sống mới nhờ Phép rửa, chúng ta cũng được kêu gọi làm chứng về sự sống và niềm hy vọng nơi chúng ta. Nếu cuộc tìm kiếm và khao khát của chúng ta được hoàn toàn thỏa mãn nơi Chúa Kitô, thì chúng ta hãy tỏ cho thấy rằng ơn cứu độ không hệ tại nơi “những sự vật” trần thế này, nhưng ở nơi Đấng đã và mãi mãi yêu thương chúng ta: đó là Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ chúng ta.
Đức Thánh cha kết luận rằng: “Xin Mẹ Maria cực thánh giúp chúng con vun trồng ước muốn Chúa Kitô, là nguồn nước hằng sống, là Đấng duy nhất có thể thỏa mãn lòng khao khát sự sống và tình thương trong tâm hồn chúng con”.
G. Trần Đức Anh, OP.
https://www.hdgmvietnam.com