CHÚA NHẬT 02 MÙA CHAY NĂM A
✠ PHÚC ÂM: Mt 17, 1-9
"Mặt người chiếu sáng như mặt trời".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu đã gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao. Người biến hình trước mặt các ông: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết. Và đây Môsê và Êlia hiện ra, và đàm đạo với Người.
Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng, thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Lúc ông còn đang nói, thì có một đám mây sáng bao phủ các Ngài, và có tiếng từ trong đám mây phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người". Nghe thấy vậy, các môn đệ ngã sấp xuống, và hết sức sợ hãi.
Bấy giờ Chúa Giêsu đến gần, động đến các ông và bảo: "Các con hãy đứng dậy, đừng sợ". Ngước mắt lên, các ông thấy chẳng còn ai, trừ ra một mình Chúa Giêsu. Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông rằng: "Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại".
Suy niệm:
Tiếng gọi
Sống trong cuộc đời, chúng ta thường được nghe biết bao tiếng gọi. Có những tiếng gọi giúp ta hạnh phúc an bình, nhưng cũng có những tiếng gọi làm ta sa ngã bất trung. Gọi ai là muốn cho người đó đến gần, có thể với ước mong kết thân tình nghĩa, nhưng đó cũng có thể là một mưu chước dối gian. Mùa chay giúp người tín hữu phân định, đâu là lời mời gọi giúp ta nên thánh, đâu là lời mời gọi làm cho ta lạc lối sai đường.
Bài sách thánh thứ nhất kể lại việc Chúa gọi ông Abraham. Sự kiện này được các nhà nghiên cứu lịch sử và các nhà chú giải Thánh Kinh xác định ở khoảng thế kỷ 18 trước Công nguyên. “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi”. Theo tiếng gọi của Chúa, ông Abraham đã bỏ tất cả mọi sự, kể cả những mối liên hệ thiêng liêng như cha mẹ họ hàng. Vào thời chưa có điện thoại và các phương tiện liên lạc và di chuyển như bây giờ, việc bỏ quê hương và người thân để lên đường, là một chuyến ra đi mãi mãi. Abraham không biết mình sẽ đi đâu, nhưng ông xác tín vững vàng vào Thiên Chúa, Đấng đã gọi ông. Ông tin rằng, bao giờ Chúa cũng sẽ làm cho ông những điều tốt lành và mang lại thiện ích cho ông trong hiện tại cũng như trong tương lai. Tác giả sách Sáng thế diễn tả sự lên đường của ông Abraham như một quyết định dứt khoát, với niềm xác tín và hân hoan. Sau này, tác giả thư gửi tín hữu Híp-ri đã suy tư về cuộc lên đường của ông như sau: nhờ tin vào lời Chúa, Abraham đã trở thành cha của nhiều dân tộc. Ông là người công chính và là gương mẫu cho tất cả những người tin.
Tuần trước, Phụng vụ mời gọi chúng ta vào sa mạc với Chúa Giêsu, để sống tinh thần chay tịnh, chiến thắng cám dỗ. Chúa nhật này, Phụng vụ lại mời gọi chúng ta lên núi cao, để chứng kiến Chúa Giêsu biến hình. Trong truyền thống Thánh Kinh, núi cao là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa. Chúa đã ban luật Giao ước cho dân Israel trên núi Sinai sau khi dân ra khỏi Ai Cập. Như người leo núi phải bỏ bớt hành lý cồng kềnh, hành trình leo núi thiêng liêng buộc chúng ta phải bỏ lại những tham lam tính toán thấp hèn, để sống cao thượng và thanh thoát hơn.
Theo Tin Mừng thánh Matthêu, việc Chúa Giêsu biến hình (còn gọi là hiển dung) được trình bày trong bối cảnh các môn đệ đang hoang mang lo lắng, vì các ông thấy Thày mình loan báo cuộc thương khó mà Người sẽ trải qua. Khi nghe Chúa nói về việc Người sẽ bị giết chết và sẽ sống lại, ông Phêrô bàng hoàng. Ông kéo Thày riêng ra một chỗ và trách Thày. Chúa Giêsu đã mạnh mẽ phê phán Phêrô và gọi ông là Satan (x. Mt 16,21-23). Để giúp các môn đệ có một nhãn quan khác về sứ vụ thiên sai của Người, Chúa Giêsu đã biến hình trước mặt ba môn đệ là ông Phêrô, Giacôbê và Gioan. Ông Phêrô trước đó mấy ngày đã can gián và trách Chúa, nay lại xin làm ba lều cho Chúa, cho ông Môisen và ông Êlia. Các ông cảm nhận được niềm vui ngây ngất khi thấy Chúa biến đổi hình dạng. Tâm trạng các ông đã được thay đổi, kể cả khi Chúa nói với các ông: ‘Con Người từ cõi chết trỗi dậy’.
Đâu là tiếng gọi của Chúa trong cuộc sống cụ thể hôm nay? Bài Tin Mừng cho chúng ta thấy, trước hết là lời mời gọi hãy lắng nghe lời Chúa Giêsu. Đây là lời mời gọi từ đám mây, tức là tiếng nói của Chúa Cha. Chúa Cha công nhận và giới thiệu với thế giới, Đức Giêsu là Con yêu dấu của Ngài. Ngài muốn cho chúng ta nghe lời của Chúa Giêsu, là lời đem lại sự sống và hạnh phúc bình an. Chính Đức Giêsu là Lời của Thiên Chúa. Lời đã nhập thể, đã làm người để ở với chúng ta và để kể cho chúng ta nghe về tình thương Thiên Chúa. Ai đón nhận Lời Chúa, tức là đón nhận Chúa Giêsu vào cuộc đời và vào tâm hồn mình, nhờ đó mà tìm được sức mạnh siêu nhiên, để vượt lên những gian nan thử thách và những chông gai của cuộc đời.
“Trỗi dậy đi, đừng sợ!”. Đó là lời mời gọi thứ hai của Chúa. Thế giới của chúng ta có biết bao điều sợ hãi. Con người bị bóng tối sợ hãi bủa vây xung quanh. Đó là bạo lực, chia rẽ, hận thù. Đó còn là bệnh tật, tai nạn, thiên tai, nhân tai. Đó còn là những cạm bẫy đến từ sự gian xảo của lòng người. Chúa Giêsu đã trấn an ba môn đệ trong lúc các ông kinh hoàng: Đừng sợ. Lời này cũng nhằm khích lệ các ông trước nỗi sợ của cuộc khổ nạn, mà Chúa Giêsu đã loan báo trước đó. Hôm nay Chúa vẫn đang nói với chúng ta những điều ấy. Những ai cậy trông tín thác vào quyền năng và tình yêu thương của Chúa thì không còn sợ hãi bất cứ điều gì. Chúa khẳng định với chúng ta như thế.
Mùa Chay giúp chúng ta nhận ra đâu là tiếng gọi của Chúa, giữa một đại dương âm thanh hỗn tạp ồn ào. Hãy đọc Tin Mừng để nhận ra tiếng Chúa. Hãy suy niệm Lời Chúa để sống theo thánh ý của Người. Tiếng gọi của Chúa bao giờ cũng nhằm tới thực thi đức bác ái yêu thương. Thái độ hận thù nhỏ nhoi không bao giờ đến từ Thiên Chúa, bất kỳ dưới góc độ nào. Thánh Phaolô (Bài đọc II) khuyên người môn sinh của mình là Timôthê hãy nhận ra kế hoạch và ân sủng của Đức Kitô. Người là Đấng Cứu độ chúng ta. Người đã tiêu diệt thần chết và ban cho chúng ta phúc trường sinh bất tử.
Trong sứ điệp truyền thống đầu mùa Chay năm 2023 này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dựa trên trình thuật Chúa Giêsu biến hình để mời gọi các tín hữu sống tinh thần mùa Chay. Với chủ đề: “Khổ chế mùa Chay và lộ trình hiệp hành”, Đức Thánh Cha so sánh việc ba tông đồ chiêm ngắm Chúa biến hình trên núi như một cuộc tĩnh tâm. Tĩnh tâm là lên núi cao để gặp gỡ Chúa, để chiêm ngưỡng vinh quang của Người. Tĩnh tâm cũng là nhìn lại chặng đường mình đã đi, để nhận ra những yếu kém, những bất toàn của mình, rồi từ đó thiện chí sửa chữa, canh tân. Đức Thánh Cha viết: “Vào cuối cuộc leo núi, khi đang ở trên đỉnh núi với Chúa Giêsu, ba môn đệ được ơn nhìn thấy Người trong vinh quang, chói ngời ánh sáng siêu nhiên. Một ánh sáng không đến từ bên ngoài, nhưng tỏa ra từ chính Chúa. Vẻ đẹp thiêng liêng của thị kiến này vượt xa những nỗ lực mà các môn đệ đã cố gắng khi lên Núi Tabor. Như trong bất kỳ chuyến leo núi gian nan nào, đang khi leo, chúng ta phải chăm chú nhìn vào con đường; nhưng bức tranh toàn cảnh mở ra ở cuối lộ trình gây bất ngờ và đền đáp cho chúng ta bởi sự kỳ diệu của nó”. Trong lộ trình tiến tới Thượng Hội đồng Giám mục thế giới, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta leo núi để gặp Chúa Giêsu, nhờ đó mà chúng ta sống tinh thần hiệp hành, cùng nhau xây dựng Giáo Hội và cũng nhau loan báo Đức Giêsu cho thời đại chúng ta.
Khi chiêm ngưỡng Chúa Giêsu biến hình, chúng ta nhìn thấy tương lai của chính chúng ta. Quả vậy, những ai tin vào Chúa Giêsu và chuyên tâm thực hành lời Người dạy, sẽ được vinh quang sáng láng như Người. Cuộc biến hình trên núi vừa khẳng định sứ vụ thiên sai của Đức Giêsu, vừa như một lời hứa hẹn với các tông đồ: nếu các ông trung thành với Chúa, các ông cũng sẽ được hưởng vinh quang và triều thiên Chúa ban. Nhờ được chiêm ngưỡng Chúa biến hình, các ông kiên vững một niềm tin và trở thành chứng nhân can đảm của Thầy.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhận ra tiếng Chúa gọi, để nhiệt thành theo Chúa và thực thi những gì Người truyền dạy, nhờ đó chúng con tìm được hạnh phúc và bình an. Amen.
+TGM Vũ Văn Thiên