Quà tặng bình an

Thứ sáu - 26/05/2023 21:19
CHÚA NHẬT CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
 
✠ PHÚC ÂM: Ga 20, 19 - 23
“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần”.

­­­­­­Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con!" Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại".

Suy niệm
QUÀ TẶNG BÌNH AN

Theo Tin Mừng Thánh Gioan, vào buổi chiều của chính ngày Phục sinh, tức là ngày thứ nhất trong tuần, Chúa Giêsu phục sinh đã ban Thánh Thần cho các môn đệ. Trong lúc các cửa nhà đều đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến với các ông, và cùng với lời cầu chúc bình an, Chúa thổi hơi trên các ông kèm theo lời tuyên bố: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Theo tác giả sách Công vụ Tông đồ, thì Chúa Thánh Thần lại đến với các môn đệ trong ngày lễ Ngũ Tuần, tức là năm mươi ngày sau lễ Vượt Qua. Chúa Thánh Thần ngự đến, trong lúc các ông sốt sắng cầu nguyện, với sự hiện diện của Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu.

Thực ra, Chúa Thánh Thần là quà tặng mà Đấng Phục sinh ban cho các môn đệ ngay từ khi Người từ cõi chết sống lại. Ngày lễ Ngũ Tuần chỉ là sự công khai biểu dương sức mạnh của Ngài, và cũng để chứng minh những gì Chúa Giêsu đã hứa trước đó về việc sẽ xin Chúa Cha sai đến một Đấng Phù trợ. Đây cũng là ngày Giáo Hội được giới thiệu chính thức với toàn thể thế giới. Vì vậy mà lễ Hiện Xuống được coi như ngày khai sinh của Giáo Hội. Giáo Hội đã được thành lập từ khi Chúa Giêsu quy tụ những ai tin vào Người, và cộng đoàn những người tin ấy đã được long trọng giới thiệu với toàn thể thế giới vào ngày lễ Ngũ Tuần. Tính chất hoàn vũ được thể hiện qua việc thánh Phêrô rao giảng bằng một thứ ngôn ngữ (có thể đó là tiếng Hipri), mà khách hành hương đến từ khắp nơi đều có thể hiểu được. Chính Chúa Thánh Thần tác động nơi thánh Phê-rô, đồng thời mở lòng khách hành hương, giúp họ hiểu được Chân lý mà thánh Phê-rô rao giảng, đồng thời chấp nhận gia nhập cộng đoàn mới mẻ này. Ngay trong ngày hôm ấy, số tân tòng đông đến ba ngàn người.

Kể từ giây phút Đấng Phục sinh ban Thánh Thần cho các tông đồ, Chúa Thánh Thần đã luôn hiện diện trong Giáo Hội. Kể từ ngày lễ Ngũ Tuần năm ấy, Ngôi Ba Thiên Chúa luôn hoạt động nơi các tín hữu. Ơn ban của buổi chiều ngày Phục sinh cũng chính là Lửa ngự đến trên các tông đồ. Chúa Thánh Thần là quà tặng bình an của Chúa Giêsu ban cho toàn thế giới.

Những bài giáo lý sơ đẳng nói với chúng ta: Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa. Ngài bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra. Ngài là Tình yêu. Ngài cũng là linh hồn của Giáo Hội. Nhờ Chúa Thánh Thần hoạt động không ngừng, mà Giáo Hội của Chúa Kitô đứng vững trước mọi cơn bão táp của lịch sử, để luôn trung thành với giáo huấn của Chúa Giêsu.

Những kiến thức trên đây hoàn toàn chính xác, nhưng mới chỉ là lý thuyết. Ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống vừa nhắc chúng ta sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội, vừa mời gọi chúng ta hãy luôn sống theo sự hướng dẫn của Ngài. “Hãy sống theo Thần Khí!”. Thánh Phaolô nhắc đi nhắc lại với các tín hữu Ga-lát điều này. Cuộc sống nơi thế gian là một cuộc chiến không ngừng. Đó là cuộc chiến giữa tối tăm và ánh sáng, giữa tội lỗi và thánh thiện. Người tín hữu muốn nên trọn lành, phải lựa chọn sống theo Thần Khí, tức là lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần. Giữa bao âm thanh hỗn độn ồn ào của cuộc sống xô bồ, cần có tâm hồn thinh lặng và thiện chí lắng nghe. Chúa Thánh Thần vẫn đang ngỏ lời với chúng ta. Ngài là “ngôn ngữ” của Thiên Chúa. Hình lưỡi lửa đậu xuống trên các tông đồ cho thấy Ngài vừa là lửa, vừa là ngôn ngữ. Lửa để sưởi ấm. Ngôn ngữ để dạy dỗ.

Cuộc sống là cuộc chiến đấu khắt khe và nghiệt ngã. Để giúp các tín hữu Ga-lát hiểu rõ hơn cuộc chiến đấu này, thánh Phaolô đã liệt kê những việc làm của xác thịt và những hoa quả của Thánh Thần. Có đến 15 nết xấu được liệt kê, trong khi đó chỉ có 9 đức tính được gọi là hoa trái của Chúa Thánh Thần. Điều này chứng minh sự nghiệt ngã và cam go của cuộc sống. Sống trên đời, con người bị giằng xé giữa tội lỗi và ân sủng. Không ít người đã không thắng nổi chính mình, và đã rơi vào vòng xoáy của những tham vọng trần thế, dập tắt lửa Thánh Thần để buông theo cơn lốc đam mê.

Như thế, đón nhận Chúa Thánh Thần chính là thực thi những hoa trái của Ngài trong cuộc sống cụ thể của chúng ta. Những hoa trái này được thánh Phao-lô liệt kê như sau: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ. Chúa Thánh Thần vừa là Đấng ban cho chúng ta những hoa trái này, đồng thời Ngài cũng chính là những hoa trái này ở mức độ hoàn hảo nhất. Ngài chính là quà tặng bình an mà Đấng Phục sinh ban tặng cho thế giới của chúng ta.

Lễ Hiện Xuống năm nay cũng là Chúa nhật cuối cùng của Tháng Hoa kính Đức Mẹ. Như xưa Mẹ đã hiện diện giữa các môn đệ vào giây phút Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, nay xin Mẹ giúp chúng ta đón nhận Quà tặng bình an. Nhân loại hôm nay đang bị tổn thương trầm trọng do chia rẽ, xung đột và bạo lực. Xin Chúa ban Thánh Thần bình an của Ngài để nâng đỡ và nối kết chúng ta.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thời biểu Phụng vụ Giáo xứ
  THÁNH LỄ
   • Ngày thường
   Sáng : 05:00
   Chiều : 17:30
   • Chúa Nhật
   Chiều Thứ Bảy : 17:30
   Lễ 1 : 05:00
   Lễ 2 : 07:00
   Lễ 3 : 08:30
   Lễ 4 : 17:30

  • CHẦU THÁNH THỂ
   Chúa Nhật : 16:30
   Thứ Năm đầu tháng :
   16:30

  • GIẢI TỘI
   Trước và sau các lễ ngày      thường
  • RỬA TỘI TRẺ EM

   Chúa Nhật đầu tháng : 
     10:00

 
Ý Cầu Nguyện Tháng Sáu
• Ý cầu nguyện: Cầu nguyện cho những người phải rời bỏ quê hương
Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người nhập cư, những người trốn chạy các cuộc chiến tranh hay sự nghèo đói, phải đối diện với những chuyến đi đầy nguy hiểm và bạo lực, có thể tìm thấy lòng hiếu khách cũng như những cơ hội mới về đời sống trong các nước đón nhận.
DGM. MATTHEN NGUYEN VAN KHOI
  ĐGM. MATTHÊÔ NGUYỄN VĂN KHÔI
Lịch Công Giáo Giáo Phận
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi