18.02 Thứ Bảy Tuần 6 Thường Niên

Thứ tư - 15/02/2023 18:00
18.02
Thứ Bảy Tuần 6 Thường Niên

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (9,2-13)

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia cùng Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu.
Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ.
Lúc đó một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: "Ðây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người". Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông.
Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: "Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?" Và các ông hỏi Người: "Tại sao các biệt phái và luật sĩ lại nói Êlia phải đến trước đã?" Người đáp: "Êlia phải đến trước để sửa lại mọi sự, và như có lời chép về Con Người rằng 'Người phải chịu nhiều đau khổ và khinh bỉ'. Vậy Thầy bảo cho các con hay: Êlia đã đến rồi và chúng xử với người mặc ý chúng, như đã chép về người".
 

Suy niệm

Việc Chúa Giêsu biến hình xảy ra sau khi Người loan báo về cuộc khổ nạn của mình. Quả vậy, nhằm trấn an và củng cố niềm tin của họ, Chúa Giêsu đã đưa ba môn đệ thân tín lên núi để các ông hiểu rõ con đường khổ nạn Người sắp đi qua, đồng thời để các ông xác tín mối liên hệ mật thiết giữa Người với Chúa Cha mà vững tin bước theo Người.

Chúng ta có thể thắc mắc, tại sao lại là Môsê và Êlia hiện ra chứ không phải ai khác? Thiên Chúa ban thập giới và các thánh chỉ qua Môsê nên ông được coi là tượng trưng cho các sách lề luật. Còn Êlia được coi là ngôn sứ cao trọng nhất trong các ngôn sứ vì lời rao giảng và uy quyền làm phép lạ, nên ông xứng đáng là đại diện cho sách các ngôn sứ. Và trong ngày Chúa biến hình, sự hiện diện của hai ông chứng tỏ toàn bộ lề luật và các ngôn sứ, nói đúng hơn là toàn bộ Kinh Thánh đều hướng về Chúa Giêsu và làm chứng rằng Người là Đấng hoàn tất mọi lời hứa về Đấng Mêsia, Đấng cứu độ nhân loại để đem con người về với Thiên Chúa.

Trong cuộc hiển dung, tiếng Chúa Cha từ trong đám mây đã xác nhận rõ ràng cho cả ba môn đệ: “Đây là Con Ta yêu dấu”. Những lời này làm chúng ta nhớ tới biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa. Khi Người lên khỏi mặt nước, tiếng Chúa Cha đã long trọng giới thiệu Người Con yêu dấu sẽ khai mạc sứ vụ cứu độ. Và hôm nay, trước khi Chúa Giêsu kết thúc sứ vụ của mình tại Giêrusalem, Chúa Cha lại tái xác nhận Chúa Giêsu, người Nazareth, người cùng ăn cùng uống với các môn đệ, là Con Thiên Chúa. Đồng thời, khi xác nhận như thế, Chúa Cha cũng đòi buộc các môn đệ thân tín và cả chúng ta nữa: hãy vâng nghe lời Người.

Vâng nghe lời Người là đón nhận chương trình cứu độ của Thiên Chúa, cho dù chương trình ấy không theo suy nghĩ hay ước muốn của chúng ta. Vâng nghe lời Người cũng là thực hiện lời kêu gọi của Chúa Giêsu: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mỗi ngày mà theo Ta”.

Vậy mà nhiều khi chúng ta chỉ muốn đi theo một Chúa Giêsu vinh hiển, chứ không muốn đón nhận một Chúa Giêsu vác thập giá. Chúng ta ngại thập giá và gian khổ, ngại hy sinh nghèo khó. Chúng ta chỉ thích theo Chúa lên núi Tabôrê để chiêm ngưỡng Chúa hiển dung, chứ không muốn theo Người lên đỉnh Canvê để chịu đau khổ với Người. Hãy nhớ rằng, hiển dung không phải là đích đến, mà chỉ là bước khởi đầu của một niềm tin thực sự. Con Thiên Chúa đã hoàn toàn vâng phục thánh ý Cha, ra khỏi ngai tòa vinh hiển để đến với nhân loại thấp hèn và chọn đi con đường thập giá. Bởi đó, ngoài Chúa Giêsu chịu đóng đinh, sẽ không có một dung mạo nào khác mà Thiên Chúa muốn chọn để biểu tỏ lòng thương xót của Người cho con người.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp mỗi người chúng con hôm nay luôn biết ý thức được điều đó, để vững bước trên con đường hy sinh từ bỏ mình từng ngày, vốn là con đường đã dẫn Chúa đạt tới vinh quang. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Lịch Công Giáo Giáo Phận
Ý Cầu Nguyện Tháng Năm
• Ý cầu nguyện: Cầu nguyện cho việc đạo tạo các tu sĩ nam nữ và các chủng sinh
Chúng ta hãy cầu nguyện để các tu sĩ nam nữ và các chủng sinh được lớn lên trong tiến trình ơn gọi nhờ việc đào tạo nhân bản, mục vụ, thiêng liêng và cộng đoàn, làm họ trở thành những chứng nhân đáng tin cậy vào Tin Mừng.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây