CHÚA NHẬT 11 THƯỜNG NIÊN
✠ PHÚC ÂM: Mt 9, 36 – 10, 8
“Sau khi triệu tập mười hai môn đệ, Người sai các ông đi”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu
Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ dân chúng, liền động lòng xót thương họ: vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn, Người liền bảo môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa”. Và Người liền triệu tập mười hai môn đệ, ban cho họ quyền năng trên các thần ô uế, để họ xua đuổi chúng, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Ðây là tên của mười hai tông đồ: trước hết là Simon cũng gọi là Phêrô, rồi đến Anrê em ông; Giacôbê con của Giêbêđê và Gioan em ông; Philipphê và Bartôlômêô; Tôma và Matthêu người thu thế; Giacôbê con của Alphê và Tađêô; Simon người Cananêô và Giuđa Iscariốt, kẻ nộp Người. Chúa Giêsu sai mười hai ông này đi và truyền lệnh cho các ông rằng: “Các con đừng đi về phía dân ngoại, và đừng vào thành các người Samaritanô. Nhưng tốt hơn, các con hãy đi đến cùng chiên lạc của nhà Israel trước đã, và rao giảng rằng: “Nước Trời đã đến gần”. Hãy chữa lành người liệt, phục sinh kẻ chết, chữa lành người phung, và xua trừ ma quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không”.
Suy niệm
“Thiên Chúa yêu thương”, đó là điểm nhấn quan trọng của mạc khải. Ngay từ những trang đầu của Kinh Thánh Cựu ước, ý tưởng này đã được nhắc tới. Vì yêu thương mà Thiên Chúa sáng tạo và cứu độ con người. Cũng vì yêu thương mà Thiên Chúa luôn nâng đỡ chở che con người, như gà mẹ ấp ủ đàn con, như phượng hoàng mang con trên cánh. Nếu có thể rút gọn nội dung Kinh Thánh trong một câu văn, thì đó chính là khẳng định: “Thiên Chúa yêu thương”.
Nội dung sách Xuất Hành nói với chúng ta tình thương và ơn cứu độ của Thiên Chúa, được thực hiện qua cuộc giải phóng ngoạn mục của dân Do Thái, khỏi ách nô lệ kéo dài hơn 400 năm tại Ai Cập. Bài đọc Cựu ước trong Thánh lễ hôm nay diễn tả dân Do Thái như một dân được ưu đãi đặc biệt. Đó là dân riêng của Thiên Chúa, là sản nghiệp của Ngài. Ý tưởng “sản nghiệp” cho chúng ta thấy hình ảnh của những người chủ trang trại thời xưa, sở hữu một phần lớn hoa màu, chiên cừu và súc vật. Đó là sở hữu riêng của ông. Ông rất tự hào về sản nghiệp này. Thiên Chúa cũng rất “tự hào” về sản nghiệp riêng của Ngài là Israel. Công thức: “Ta đã dùng cánh tay hùng mạnh mà dẫn đưa các ngươi ra khỏi Ai Cập”, hoặc “Ta đã mang các ngươi như trên cánh chim bằng” được sử dụng nhiều lần sau này, nhất là trong các sách Thánh vịnh và Ngôn sứ. Công thức này diễn tả một hoài niệm về quá khứ huy hoàng, để qua đó dân Israel nhớ lại với lòng biết ơn.
Thiên Chúa không chỉ can thiệp trong đời sống người Do Thái, mà còn đặt họ lên địa vị cao cả, danh dự. Tước hiệu một “vương quốc tư tế”, “một dân thánh” sau này được triển khai trong tư tưởng của thánh Phêrô: “Anh em là dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế, vương giả, là dân tộc thánh thiện, dân riêng của Chúa, để rao giảng quyền năng của Đấng đã gọi anh em ra khỏi tối tăm mà vào ánh sáng kỳ diệu của Người”. Thánh Gio-an Tông đồ cũng diễn tả một ý tưởng ấy: “Người (Đức Giê-su) đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người: kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. Amen!
Nếu tác giả sách Xuất Hành trình bày Thiên Chúa là Đấng giải phóng Dân tộc Do Thái và chọn dân này làm dân riêng, thì Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa làm người lại ban phát ơn cứu độ cho hết thảy nhân loại mọi nơi mọi thời. Qua Đức Giê-su, tình thương của Thiên Chúa không còn giới hạn nơi một dân tộc, nhưng lan toả đến tận cùng thế giới. Nói các khác, hết thảy những ai tin vào Đức Giê-su đều được kể là dân riêng, là dân tư tế. Họ là những người được mời gọi cố gắng mỗi ngày để bước ra khỏi miền u tối và bước vào ánh sáng kỳ diệu của Người. Những ơn này, chúng ta có được là nhờ sự chết của Đức Giê-su trên thập giá. Thánh Phao-lô đã khẳng định trong Bài đọc II: “Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa thương yêu chúng ta.
“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”. Chúa Giê-su đã so sánh nhân loại như một cánh đồng rộng lớn mênh mông. Trên cánh đồng này, có rất nhiều người thành tâm thiện chí. Họ là những mảnh đất tốt, đợi hạt giống Chân lý được gieo vãi, để nảy nở và trổ bông chín vàng.
Tại sao Chúa Giê-su lại cần đến những “thợ gặt”? Chúa là Đấng quyền năng có thể làm được mọi sự. Tuy vậy, Người lại cần đến những người cộng tác. Lý do vì chúng ta, những người đã được lãnh nhận phép Thanh Tẩy đều là những tư tế và những tông đồ, theo mẫu Nhóm Mười hai, là những người được chọn và sai đi. Được Thiên Chúa yêu thương, đến lượt chúng ta lên đường loan báo tình thương của Chúa, để những anh chị em khác cũng được đón nhận tình thương của Ngài. Đó là sứ mạng cao cả của người Ki-tô hữu.
Hôm nay, nhiều nhà thờ cử hành lễ kính Thánh Tâm Chúa Giê-su. Tôn vinh Thánh Tâm Chúa Giê-su là tôn vinh quyền năng và tình yêu của Chúa Cha, vì chính Chúa Cha đã sai Con Một của Ngài đến trần gian để thực hành công trình cứu độ. Hôm nay cũng là ngày cầu xin ơn thánh hoá các Linh mục. Chúng ta hãy cầu xin cho các Linh mục trên toàn thế giới biết sống thánh thiện với Hồng ân cao cả đã lãnh nhận, để trở nên những chứng nhân của tình Chúa yêu thương, và những “thợ gặt” nhiệt tình tâm huyết, đem nhiều lúa chín về cho Chúa chúng ta. Amen.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên