Phúc Âm: Mt 10, 26-33
“Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con đừng sợ những người đó, vì không có gì che giấu mà không bị thố lộ; và không có gì kín nhiệm mà không hề hay biết. Ðiều Thầy nói với các con trong bóng tối, hãy nói nơi ánh sáng; và điều các con nghe rỉ tai, hãy rao giảng trên mái nhà.
“Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn: Các con hãy sợ Ðấng có thể ném cả xác lẫn hồn xuống địa ngục. Nào người ta không bán hai chim sẻ với một đồng tiền đó sao? Thế mà không con nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến. Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn đáng giá hơn chim sẻ bội phần.
“Vậy ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Thầy, là Ðấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ chối nó trước mặt Cha Thầy, là Ðấng ngự trên trời”.
Suy niệm
MỘT NIỀM PHÓ THÁC
Nhiều người than phiền là cuộc sống này quá bất công. Có những người tốt lành đôi khi gánh chịu nhiều hoạn nạn, trong khi nhiều người gian ác lại được phong lưu. Sự dữ và bất công trong cuộc sống là một trong những lý do làm cho con người dễ nổi loạn. Họ chống đối nhau và thậm chí chống đối cả Thiên Chúa. Tuy vậy, có một thực tế là dù người ta chống đối Thiên Chúa, thì sự dữ vẫn còn đó và cuộc sống trần gian cũng không được cải thiện tốt hơn.
Có những đau khổ từ bên ngoài mà đến, như bệnh tật, tai nạn, thiên tai. Có những đau khổ do những người xung quanh gây hấn do hận thù ghen tương, hãm hại. Cũng có những đau khổ do chính bản thân mình gây ra, như một hậu quả tất yếu vì đã sống buông thả và thiếu tiết độ, ví dụ như bệnh tật do uống nhiều rượu, tai nạn do bất cẩn…
Theo quan điểm Do thái Ki-tô giáo, đau khổ và sự ác mà nó diễn tả không nằm trong chương trình khởi thủy của Tạo hóa. Nói cách khác, nó không phát xuất từ Thiên Chúa. Vì vậy, khác với những tôn giáo khác, Ki-tô giáo không có một vị thần ác là nguyên nhân của đau khổ. Đối với người Công giáo, đau khổ là phương thế để thánh hóa bản thân, là đền tội mình, cầu nguyện cho tha nhân và cứu các linh hồn. Khi chấp nhận đau khổ, con người thông phần với đau khổ của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng đã chịu chết vì nhân loại.
Bài đọc I hôm nay nói đến sự hiềm khích của một số người đương thời đối với Ngôn sứ Giê-rê-mi-a. Ông là một ngôn sứ gánh chịu nhiều đau thương. Mọi tai ương trong cuộc đời ông đều là biểu tượng cho thân phận tương lai của dân tộc Do Thái. Vì thẳng thắn và trung thành chuyển tải sứ điệp của Chúa, mà ông bị người đời gọi là “lão tứ phía kinh hoàng”. Giữa một đám đông những người đồng bào, mà ông cảm thấy cô đơn trơ trọi. Ông đã mấy lần suýt chết vì âm mưu của quan lại triều đình. Nhưng trên hết mọi sự, nơi Giê-rê-mi-a là lòng tín thác nơi Thiên Chúa, Đấng ông phụng thờ. Ông đã tìm thấy sự an ủi khi hoàn toàn cậy trông vào Chúa. Ông đã tìm ra ý nghĩa của đau khổ: đó là giúp con người thanh luyện và trung thành.
Thánh vịnh 68 trong phần Đáp ca của Thánh lễ là lời cầu nguyện của người đang bị bách hại. Cũng như ngôn sứ Giê-rê-mi-a, tác giả Thánh vịnh gặp trăm bề đau khổ, thậm chí do những người ruột thịt gây nên, nhưng ông vẫn một niềm cậy trông và phó thác. Ông tin rằng Thiên Chúa là nơi ẩn náu vững bền. Ngài là Đấng không ngoảnh mặt làm ngơ trước lời van xin của những người hoạn nạn.
“Đừng sợ!”. Đức Giê-su lặp đi lặp lại lời trấn an này với các môn đệ. Bài Tin Mừng này nằm trong văn mạch của bài giảng về sứ mạng truyền giáo. Chúa Giê-su chọn, gọi và sai mười hai tông đồ. Người dặn dò các ông rất chu đáo về cách đối nhân xử thế trong khi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. Thấy trước những khó khăn thử thách trong sứ mạng, Người trấn an các ông: đừng sợ!
“Đừng sợ!”, vì Chúa thấu hiểu lòng con người. Chẳng có gì là bí mật đối với Ngài. Vì thế, lời giảng dạy của vị tông đồ phải là những điều chân thật ngay chính.
“Đừng sợ!”, vì Chúa mới là Đấng định đoạt tương lai của con người. Thế gian dù có mạnh mẽ nhưng chỉ là nhất thời. Quyền lực thế gian chỉ có thể bách hại được thân xác, chứ chẳng bao giờ giết chết tâm hồn và Đức tin.
Khi trấn an các môn đệ, Chúa Giê-su cũng cho các ông thấy trước phần thưởng trên trời mà Chúa Cha sẽ ban cho người công chính. Nếu chối Chúa ở đời này, Chúa Giê-su cũng sẽ chối bỏ chúng ta trước tòa Chúa Cha.
Cuộc đời này còn đầy những gian nan khốn khó. “Thế gian là bãi chiến trường” – người ta nói thế. Tuy vậy, thế gian cũng là đối tượng của tình yêu Thiên Chúa. “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Vì thế, cuộc đời cũng là cuộc chiến đấu để chứng tỏ lòng trung thành và để giành chiến thắng.
Hãy tin tưởng và phó thác cuộc đời nơi tình thương của Chúa. Tình thương Chúa lớn lao hơn gấp bội tội lỗi của con người. Tội A-đam không thể nào sánh với ân huệ của Thiên Chúa (Bài đọc II). Tình thương của Thiên Chúa đối với chúng ta thể hiện qua cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Giê-su. Chính người đã mang lấy tội lỗi của chúng ta. Qua cuộc khổ nạn của Người chúng ta tìm thấy ý nghĩa của đau khổ: đó là đau khổ giúp ta thanh luyện bản thân và cộng tác với Chúa Giê-su để đem ơn Cứu độ cho trần gian.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn