Bài số 27: Người lớn nhất trong Nước Trời (Mt 18,1-4)

Thứ sáu - 21/07/2023 10:13

CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN – NĂM A
Bài số 27: Người lớn nhất trong Nước Trời (Mt 18,1-4)

 

I. DẪN NHẬP

Tuần trước chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu chủ đề “Bước đi trong đức tin và hy vọng”. Tuần này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về: “Người lớn nhất trong Nước Trời”. Chủ đề này nằm trong chương 18 của Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, là phần khởi đầu của bài giảng quan trọng thứ 4 – Bài Giảng về Giáo hội. Trong Bài giảng này, thánh Mát-thêu tập hợp những giáo huấn của Chúa Giê-su về nếp sống trong cộng đoàn.
 

II. VỊ TRÍ VÀ BỐ CỤC BẢN VĂN

– Phần I. Lớn nhất trong Nước Trời hay được vào Nước Trời? (Mt 18,1-3)

– Phần II. Người lớn nhất trong Nước Trời (Mt 18,4)
 

III. VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI

1. Trẻ nhỏ: Trong Kinh Thánh, từ này gợi lên sự “bé mọn, không đáng kể” (Xh 12,37; Mt 14,21; 15,38). Vì trẻ nhỏ không có chỗ đứng trong xã hội loài người (Kn 14,23), không có khả năng tự vệ, dễ bị người khác loại bỏ, và chẳng có quyền lực gì (Kn 12,5.6). Tuy nhiên, hình ảnh trẻ nhỏ còn nói lên tinh thần sống phó thác và tin tưởng vào cha mẹ (Tv 131,2). Qua đó, Chúa Giê-su mời gọi các môn đệ mặc lấy sự khiêm nhường để đặt niềm tin tưởng và phó thác vào Chúa.

2. Trở lại: Trong Cựu ước, động từ trở lại nói về sự hoán cải, quay mặt lại với Thiên Chúa, nhận ra mình là kẻ có tội (Dnl 4,30; 30,8; 1V 8,47; 2Sb 6,3). Trở lại cũng là quay trở về điểm xuất phát để bắt đầu một cuộc khởi hành mới. Đức Giê-su mời gọi các môn đệ trở lại bằng việc bỏ đi quan niệm sai lạc về Ngài và về Nước Thiên Chúa.
 

IV. NỘI DUNG

1. Lớn nhất trong Nước Trời hay được vào Nước Trời?

Sau khi Đức Giê-su tiên báo cuộc Thương Khó lần thứ hai tại miền Ga-li-lê, các môn đệ tỏ ra buồn phiền (Mt 17,22-23). Dẫu vậy tâm trạng ấy cũng không đánh tan tham vọng quyền hành nơi các ông. Bởi vậy, các môn đệ liền đến hỏi Đức Giê-su, “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời”? Câu hỏi ấy cho thấy các môn đệ vẫn chưa hiểu đúng về sứ vụ của Đức Giê-su, họ vẫn coi Ngài là một Đấng đầy quyền năng và oai phong sẽ tiến vào Giê-ru-sa-lem làm vua để giải phóng dân tộc[1]. Các ông cũng chưa thoát khỏi ước muốn theo đuổi những bậc thang giá trị của thế gian là danh vọng và quyền lực. Bên cạnh đó, nó còn phơi bày sự chia rẽ trong cộng đoàn, bộc lộ nhân đức tầm thường đến nỗi vẫn tranh nhau địa vị trong Nước Chúa[2].

Trước câu hỏi về người lớn nhất, Chúa Giê-su gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông mà nói “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ này thì sẽ chẳng được vào Nước Trời (Mt 18,3). Tại sao Chúa Giê-su lại mời gọi các môn đệ trở lại, trong khi các ông vẫn ngày ngày bên Chúa, lắng nghe những Giáo huấn của Chúa và cùng Ngài rảo bước trên con đường sứ vụ? Bởi vì, các môn đệ đang hiểu sai lạc về Ngài và về Nước Trời. Vậy nên Chúa Giê-su mời gọi họ trở lại. Điều quan trọng không phải là lớn nhất nhưng là được vào Vương Quốc của Thiên Chúa, không phải là tìm mình mà tìm Nước Thiên Chúa (Mt 6,33; Lc 12,31), không phải là thực hiện những tham vọng cá nhân, mong chiếm hữu quyền hành, gìn giữ uy thế, đề cao cái tôi của mình nhưng là khiêm nhường, là trở nên nhỏ bé, không đáng kể và đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa.

Như thế trở lại mà nên như trỏ không chỉ là điều kiện để vào được Nước Trời, nhưng cũng là điều kiện để trở thành người lớn nhất trong Nước Trời.

2. Người lớn nhất trong Nước Trời

Tiêu chuẩn và giá trị của Nước Trời khác hoàn toàn với tiêu chuẩn thế gian. Để vào được Nước Trời cần phải trở lại như trẻ nhỏ, những ai tự hạ, coi mình như trẻ nhỏ sẽ trở nên vĩ đại trong Vương Quốc của Thiên Chúa. Vậy nên, Chúa Giê-su đang kêu gọi các môn đệ và những người theo Ngài mặc lấy đức tính khiêm nhường, điều mà thánh Gio-an Kim Khẩu gọi là “Mẹ, là gốc rễ, là nền tảng và trung tâm của mọi đức tính khác[3]. Hơn nữa, kẻ khiêm nhường còn được Chúa nâng cao (x. Lc 1,52) và chính nơi họ mà Thiên Chúa được tôn vinh (Hc 3,20). Nhưng điều khiến chúng ta thắc mắc là, tại sao Chúa Giê-su lại lấy trẻ nhỏ làm mẫu gương cho sự khiêm nhường? Thưa, bởi vì tự bản chất, trẻ nhỏ chẳng có vị thế hay quyền hành gì, nên chúng không thể tự tôn, tranh giành địa vị với bất kỳ ai mà luôn sống tin cậy, nương nhờ người khác. Đối lại với thái độ khiêm nhường này chính là lòng kiêu ngạo – là gốc rễ, là cội nguồn và là mẹ đẻ của tội lỗi[4]. Thói kiêu căng sẽ đưa con người xa khỏi Thiên Chúa và bị Người triệt hạ (G 22,29; Gc 4,6; Cn 29,23).

Tóm lại: Khi hỏi Chúa Giê-su về người lớn nhất trong Nước Trời, các môn đệ phần nào đang dần quên đi sứ vụ chính yếu mà Thiên Chúa muốn nơi các ông. Sứ vụ ấy là theo Chúa, là từ bỏ chính mình và vác thập giá mình mà theo (x.Mt 16,24). Trong khi các môn đệ đang so bì, tính toán xem ai là lớn nhất, thì việc Chúa Giê-su đặt một em nhỏ giữa các ông đã đánh tan tham vọng quyền hành của họ, đồng thời mời gọi họ trở lại để bắt đầu một hành trình mới trên bước đường theo Chúa. Đó là biết sống tự hạ, lấy đức tính khiêm nhường mà đối xử với nhau (1Pr 5,5). Và sự khiêm nhường ấy chỉ có giá trị khi gắn bó với Thiên Chúa và đặt ý muốn của Người trên hết mọi sự. Có như thế, những người theo Chúa mới có thể cùng nhau chia sẻ một tấm bánh, cùng nhau phụng sự Thiên Chúa, mến yêu tha nhân và cùng nhau đạt tới vinh quang Nước Trời.
 

V. SUY NIỆM VÀ THỰC HÀNH

Kính thưa cộng đoàn, Sau khi tìm hiểu chủ đề: NGƯỜI LỚN NHẤT TRONG NƯỚC TRỜI chúng ta có thể dừng lại ở một vài ý tưởng giúp chúng ta suy niệm và thực hành:

1. Được vào Nước Trời chắc chắn là khao khát của mỗi người chúng ta nhưng nếu không trở lại để hoá nên như trẻ nhỏ thì chúng ta khó mà vào được. Vì thế, chúng ta cần phải khiêm tốn nhận ra những khuyết điểm, thiếu sót trong bổn phận tín hữu của mình để chỉnh sửa, hoán cải; đồng thời mặc lấy tinh thần đơn sơ, phó thác; sống chân thành và tuân phục như trẻ nhỏ để luôn tín thác, lệ thuộc vào quyền năng của Chúa và thực thi điều Người dạy bảo.

2. Những kẻ bé mọn là đối tượng tình thương yêu của Thiên Chúa, vì thế khi chúng ta giúp đỡ những kẻ bé mọn, chúng ta không chỉ thực thi ý Chúa truyền dạy mà còn vì Chúa đã tự đồng hoá mình với kẻ bé mọn nữa (Mt 18,5; 25,33). Chính vì thế, dù sống trong môi trường và điều kiện nào chúng ta cũng hãy có những tâm tình, lời nói và việc làm để phục vụ những kẻ bé mọn theo tinh thần của Chúa. Chúng ta hãy bắt chước thánh Tê-rê-sa Hài đồng Giê-su, ngài tâm sự: “Tôi thích sự buồn tẻ của việc hy sinh âm thầm hơn là những trạng thái xuất thần. Nhặt một cây kim vì tình yêu cũng có thể hoán cải một linh hồn.”
 

IV. GIỚI THIỆU BÀI TIẾP

Chủ đề hôm nay đã giúp chúng ta biết phải làm gì để được vào Nước Trời. Tuần tới, xin mời cộng đoàn tiếp tục đến với chủ đề “Hoà giải và tha thứ”. Xin cộng đoàn vui lòng đọc trước bản văn Tin Mừng Mt 18,15-35.

Ban Biên soạn Giáo lý Kinh Thánh
Tổng Giáo phận Hà Nội

 


[1] Lm Giuse Ngô Ngọc Khanh, Tin Mừng theo thánh Mát-thêu , tr 281.

[2] Daniel Considine, S.J “Can đảm lên con”, dịch giả ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt và Lm. Giuse Nguyễn Văn Diễm, nxb Tôn giáo 2023, tr 49.

[3] Davies, W. D., & Allison, D. C. A critical and exegetical commentary on the Gospel according to Saint Matthew. p.757.

[4] Ibid, p.757.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thời biểu Phụng vụ Giáo xứ
  THÁNH LỄ
   • Ngày thường
   Sáng : 05:00
   Chiều : 17:30
   • Chúa Nhật
   Chiều Thứ Bảy : 17:30
   Lễ 1 : 05:00
   Lễ 2 : 07:00
   Lễ 3 : 08:30
   Lễ 4 : 17:30

  • CHẦU THÁNH THỂ
   Chúa Nhật : 16:30
   Thứ Năm đầu tháng :
   16:30

  • GIẢI TỘI
   Trước và sau các lễ ngày      thường
  • RỬA TỘI TRẺ EM

   Chúa Nhật đầu tháng : 
     10:00

 
Ý Cầu Nguyện Tháng Sáu
• Ý cầu nguyện: Cầu nguyện cho những người phải rời bỏ quê hương
Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người nhập cư, những người trốn chạy các cuộc chiến tranh hay sự nghèo đói, phải đối diện với những chuyến đi đầy nguy hiểm và bạo lực, có thể tìm thấy lòng hiếu khách cũng như những cơ hội mới về đời sống trong các nước đón nhận.
DGM. MATTHEN NGUYEN VAN KHOI
  ĐGM. MATTHÊÔ NGUYỄN VĂN KHÔI
Lịch Công Giáo Giáo Phận
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi