Bài số 21: Hạt giống Lời Chúa (Mt 13,1-23)
I. DẪN NHẬP
Tuần trước, chúng ta đã khép lại chương 12 với chủ đề “AI THUỘC VỀ GIA ĐÌNH CỦA ĐỨC GIÊ-SU?”. Tuần này, với chủ đề “HẠT GIỐNG LỜI CHÚA”, chúng ta bắt đầu bước vào một chương mới, chương 13. Toàn bộ chương này trình bày Bài giảng của Đức Giêsu bằng dụ ngôn. Các dụ ngôn là phần trung tâm lời rao giảng của Đức Giêsu. Thánh Mát-thêu ghi lại cho chúng ta tất cả 6 dụ ngôn trong chương này:
– Dụ ngôn người gieo giống (Mt 13,1-23)
– Dụ ngôn cỏ lùng (Mt 13, 24-30)
– Dụ ngôn hạt cải (Mt 13,31-32)
– Dụ ngôn men trong bột (Mt 13,33)
– Dụ ngôn kho báu và ngọc quý (Mt 13,44-46)
– Dụ ngôn chiếc lưới (Mt 13,47-50)
Hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu dụ ngôn đầu tiên, dụ ngôn người gieo giống, Mt 13,1-23. Để làm sáng tỏ dụ ngôn này và khám phá mầu nhiệm Nước Thiên Chúa nơi hình ảnh HẠT GIỐNG LỜI CHÚA, chúng ta đặt ra 5 câu hỏi sau đây: Thế nào là một dụ ngôn? Bản chất của dụ ngôn là gì? Tại sao Đức Giêsu nói bằng dụ ngôn? Trọng tâm sứ điệp của Đức Giêsu nơi các dụ ngôn là gì? Đâu là ý nghĩa của hạt giống? Giờ đây, xin mời cộng đoàn đến với nội dung chi tiết.
II. BỐ CỤC
Băn văn Mt 13,1-23 có thể được chia thành 4 phần sau:
1. Giới thiệu các dụ ngôn (13,1-3a)
2. Dụ ngôn người gieo giống (13,3b-9)
3. Lý do dùng dụ ngôn (13,10-17)
4. Giải thích dụ ngôn người gieo giống (13,18-23)
III. NỘI DUNG
1. Thế nào là một dụ ngôn?
Dụ ngôn (Parabolê), theo nguyên nghĩa Hy lạp, có nghĩa là “thả dọc theo”, bao hàm một sự so sánh, bằng việc đặt một cái gì đó bên cạnh cái khác để trình bầy điểm mình muốn chỉ cho thấy.[1] Chúng ta cũng có thể nói rằng dụ ngôn là một trình thuật sử dụng hình ảnh, cho phép chúng ta xác định tính cách một tình cảnh mà không minh nhiên nói ra tình cảnh ấy. Thính giả có thể tìm ra tình cảnh của riêng mình qua dụ ngôn. Nói cách khác, dụ ngôn đem điều nằm thật xa đến ngần những thính giả cùng suy tư và tham dự sống động vào câu chuyện. Trong trường hợp của Đức Giêsu, những dụ ngôn của Người nối kết mỗi hiện tượng hay tình trạng hằng ngày với Nước Thiên Chúa qua việc so sánh chúng với nhau.
2. Bản chất của dụ ngôn là gì?
Dụ ngôn có thể được trình bày dưới nhiều hình thái khác nhau. Một dụ ngôn có thể được xem như là một châm ngôn bóng bẩy, gần giống như một ví von.[2] Một dụ ngôn cũng có thể được xem là một ẩn dụ. Một dụ ngôn thật sự được trình bày trong hình thái của một câu chuyện mang tính cách phác họa một hành động cá biệt và rành mạch cụ thể. Một dụ ngôn có thể là phóng dụ, có nghĩa nói một điều gì khác hơn là điều xem ra đang nói. Giáo hội sơ khai đã giải thích dụ ngôn người gieo giống một cách phóng dụ: những “hạt gống” là lời, và mỗi yếu tố của câu chuyện: “vệ đường”, “sỏi đá”, “bụi gai”, và “đất tốt” đại diện cho những kẻ đáp trả lại “lời” trong nhiều cách khác nhau.
3. Tại sao Đức Giêsu nói bằng dụ ngôn?
Đức Giêsu trả lời các môn đệ rằng: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không… Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu” (Mt 13,11-12). Đức Giêsu không muốn chuyển trao cho chúng ta những nhận thức mơ hồ, không đi sâu vào tâm hồn chúng ta. Người phải dẫn chúng ta đến mầu nhiệm Thiên Chúa, đi đến ánh sáng mà con mắt chúng ta chịu không nổi, nên tránh né. Để chúng ta có thể đến được, Người chỉ cho chúng ta ánh sáng trong suốt của Thiên Chúa trong các sự vật trên trần gian và nơi những thực tại của đời sống hằng ngày. Ngang quang những điều tường thuật, Người muốn chỉ cho chúng ta nền tảng cơ bản mọi vật và hướng đi đúng đắn mà chúng ta phải đi ngay trong đời thường. Người muốn chỉ cho chúng ta Thiên Chúa, không phải một Thiên Chúa trừu tượng, nhưng là một Thiên Chúa đang hoạt động, Đấng bước vào đời sống của chúng ta và muốn nắm tay chúng ta. Ngang qua điều thương nhật, Người muốn cho chúng ta thấy chúng ta là ai và chúng ta phải làm gì.[3]
4. Trọng tâm sứ điệp của Đức Giêsu trong các dụ ngôn là gì?
Trọng tâm sứ điệp của Đức Giêsu được nổi bật trong các dụ ngôn chính là mầu nhiệm thập giá. Thập giá là chìa khoá để chúng ta có thể hiểu các dụ ngôn. Điều này được làm sáng tỏ trong lời giã biệt của Đức Giêsu: “Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói những điều ấy với anh em. Sẽ đến giờ Thầy không còn dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa, nhưng Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không còn úp mở” (Ga 16,25). Như thế, các dụ ngôn nói cách ẩn kín về mầu nhiệm thập giá và thuộc về mầu nhiệm thập giá.[4]
5. Đâu là ý nghĩa của hạt giống?
Hạt giống bên ngoài thật nhỏ bé nhưng chứa đựng cả một cây lớn trong mình. Hạt giống là thực tại của tương lai. Điều sẽ đến còn ẩn chứa trong hạt giống. Nó là hiện tại của lời hứa. Hình ảnh hạt giống trong dụ ngôn Người gieo giống phác họa con người, cuộc đời và sứ vụ của Đức Giêsu. Đức Giêsu không những là người gieo giống, gieo hạt giống lời Chúa, nhưng còn là hạt giống rơi vào lòng đất, phải chết đi để đem lại nhiều hoa trái.
Đức Giêsu là hạt giống: “Thật, thật Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Hạt giống chết đi để sinh nhiều bông hạt. Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá phục hồi sự sống cho toàn thể nhân loại. Sự “thất bại” của Người nơi thập tự lại trở thành con đường, mà một số ít hạn hẹp sẽ đến với số đông, đến với mọi người: Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32). Chính nơi thập tự nhiều thành quả vĩ đại đã xuất hiện.
IV. SUY NIỆM VÀ THỰC HÀNH
Sau khi tìm hiểu chủ đề HẠT GIỐNG LỜI CHÚA, chúng ta có thể dừng lại ở một vài ý tưởng giúp chúng ta suy niệm và thực hành:
Trước hết, nhận biết Thiên Chúa và Nước của Người là một nhận thức duy nhất cho đời sống chúng ta; nhận thức này không thể có được nếu không có sự sám hối. Vì trong thế giới đầy dấu ấn tội lỗi, và đời sống của chúng ta bị chủ nghĩa cá nhân đè nặng, chúng ta phải hướng về tình yêu để sống tốt hơn; chúng ta cần đến hồng ân tình yêu cụ thể của Thiên Chúa.
Vậy, chúng có sẵn sàng mở tâm hồn, mở con tim, mởi khối óc để đón nhận hồng ân tình yêu là hạt giống lời Chúa vào trong cuộc đời ta không? Chúng ta có sẵn sàng hoán cải đời sống để trở nên thửa ruộng tốt để hạt giống lời Chúa bén rễ, lớn lên và sinh hoa trái trong đời sống thường nhật của tôi không? Chúng ta có sẵn sàng trở nên những người thợ gieo hạt giống lời Chúa nơi những mảnh đất khác không? Chúng ta đang đang gieo hạt giống nào? Nó có phải là chính lời Chúa, là Tin Mừng, là Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm, chết và phục sinh vinh hiển, hay là những học thuyết và lối sống của thế gian?
Sau cùng, người gieo giống không bao giờ được thất vọng, thoái lui hay dừng bước trước sự đe dọa của thế lực sự dữ. Người gieo giống không bao giờ tự mãn vì thành quả đạt được. Ai có sức gieo thì cứ gieo, còn Thiên Chúa mới là Đấng làm cho hạt giống mọc lên và sinh hoa kết trái.
V. GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ TIẾP THEO
Kính thưa cộng đoàn, chúng ta vừa tìm hiểu chủ đề “ HẠT GIỐNG LỜI CHÚA”. Ở bài tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu chủ đề “CHÍNH ANH EM HÃY CHO HỌ ĂN”. Xin quý cộng đoàn đọc trước Tin Mừng Mt 14, 13-21.
https://www.tonggiaophanhanoi.org/
[1] Phạm Hữu Quang, Dẫn Nhập Thánh Kinh, tr. 125.
[2] Phạm Hữu Quang, Dẫn Nhập Thánh Kinh, tr. 128.
[3] Joseph Ratzinger, Đức Giêsu Thành Nazareth – Phần I, tr. 265.
[4] Joseph Ratzinger, Đức Giêsu Thành Nazareth – Phần I, tr. 262.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo Hội để Giáo Hội thực thi việc lắng nghe và đối thoại như một lối sống ở mọi cấp độ, và để Giáo Hội được Chúa Thánh Thần dẫn tới các vùng ngoại biên của thế giới.
• Ý truyền giáo: Xin cho mọi thành phần Dân Chúa trong giáo phận Qui Nhơn chúng ta biết ăn năn hoán cải, canh tân đời sống và nhất là siêng năng lần hạt Mân Côi chung trong gia đình cũng như nơi từng cộng đoàn.