Chính Tòa Qui Nhơnhttps://ctqn.net/uploads/ctqn2024_1.jpg
Thứ sáu - 19/05/2023 08:43
CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH – NĂM A
Bài số 18: Vác thập giá mình để theo Đức Giê-su
(Mt 10, 37-42)
I. Dẫn nhập
Trong tuần trước, chúng ta đã tìm hiểu chủ đề “Môn đệ là người được gọi và được sai đi” (x. Mt 9, 36 – 10,8). Tuần này, chúng ta sẽ học hỏi về chủ đề “Vác thập giá mình để theo Đức Giê-su” (x. Mt 10, 37-42). Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu ba điểm sau: một là những đòi hỏi nghịch lý của Đức Giê-su đối với các môn đệ; hai là ý nghĩa những đòi hỏi của Đức Giê-su; ba là cách thức đón tiếp người môn đệ của Đức Giê-su.
II. NỘI DUNG
Thánh sử Mát-thêu trình bày ba đòi hỏi theo cấp độ tăng dần của người môn đệ: yêu Đức Giê-su hơn cha mẹ, con cái; chịu vác thập giá; và từ bỏ mạng sống vì Người.
1. Những đòi hỏi nghịch lý của Đức Giê-su đối với các môn đệ (x. Mt 10, 37-39)
Trước nhất, cha mẹ, con cái là những người có mối tương quan huyết nhục, nghĩa là dòng máu của họ đang chảy trong dòng máu của người môn đệ và ngược lại dòng máu của người môn đệ đang chảy trong dòng máu của họ. Theo Kinh Thánh, “máu” biểu tượng cho sự sống thì cha mẹ, con cái đang sống trong người môn đệ và họ đang sống trong cha mẹ. Do đó, lời dạy của Đức Giê-su: “Ai yêu cha mẹ, con cái hơn Thầy thì không xứng với Thầy” (x. Mt 10, 37) trở thành một điều khó có thể chấp nhận được với suy nghĩ của người đời. Thứ đến, “thập giá” theo quan niệm của người Rô-ma và Do Thái là hình phạt nhục nhã và đớn đau dành cho những tội phạm nguy hiểm. Thế nên, vác thập giá là công khai chịu sự chống đối dữ dội của xã hội. Do vậy, vác thập giá theo Đức Giê-su trở nên nghịch lý khi đòi hỏi người môn đệ mang vào mình sự đớn đau, nhục nhã và chịu chống đối trước mặt mọi người. Cuối cùng, mạng sống là điều quý giá nhất của con người. Vì chỉ khi sống, con người mới có thể thực hiện được những dự tính, ước mơ của mình. Bởi thế, lời dạy của Đức Giê-su càng trở nên nghịch lý khi đòi hỏi người môn đệ “từ bỏ mạng sống vì Thầy” (x. Mt 10, 39). Như vậy, yêu Đức Giê-su hơn tương quan huyết nhục, vác thập giá đau khổ vì Đức Giê-su hay hy sinh mạng sống mình vì Người là những đòi hỏi nghịch lý và khó chấp nhận được đối với cuộc sống tự nhiên của con người.
Tuy nhiên, tiêu chuẩn khắt khe của người môn đệ theo Chúa chỉ trở nên nghịch lý và khó chấp nhận đối với những ai không nhận ra ý nghĩa của những đòi hỏi đó. Vậy ý nghĩa của những đòi hỏi ấy là gì?
2. Ý nghĩa của những đòi hỏi theo Đức Giê-su (x. Mt 10, 37-39)
Trong tương quan gia đình huyết tộc, Thiên Chúa đặt để tình yêu giữa các thành viên với nhau. Thế nhưng, bản chất của tình yêu đó phát xuất từ Tình Yêu của Thiên Chúa. Ngài đã sáng tạo con người và “dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân” (x. Tv 139, 13). Ngài đã nhập thể và cứu độ nhân loại với tình yêu trao hiến. Do đó, đòi hỏi yêu Đức Giê-su hơn cha mẹ, con cái chính là lời mời gọi đi vào Tình Yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa. Đồng thời, chính Tình Yêu đó là động lực giúp người môn đệ vâng nghe Lời của Đức Giê-su: “Vác thập giá mình hằng ngày mà theo Thầy”. Mặt khác, cặp từ tương phản “giữ lấy mạng sống” và “liều mất mạng sống” (x. Mt 10, 39) vén mở ý nghĩa lợi ích của người môn đệ theo chân Đức Giê-su. Theo Thánh Kinh, “mạng sống” không những ám chỉ sự sống thể lý của con người, mà còn diễn tả sự sống của linh hồn. Nếu như Thiên Chúa ban cho con người tự do để làm chủ mạng sống thể lý thì sự sống linh hồn con người thuộc đặc quyền của Ngài. Thế nên, Đức Giê-su mạc khải một con đường cứu linh hồn nằm ở hai chữ “vì Thầy” [ἕνεκεν – Eneken], bởi vì chính Đức Giê-su có quyền trên sự sống (x. Mt 9, 23-25). Như vậy, ý nghĩa của những đòi hỏi tưởng như nghịch lý nhưng lại mang ý nghĩa giúp người môn đệ đi vào Tình Yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa, giúp họ đi vào cuộc chiến đấu với thập giá để được sự sống đích thực ở đời sau.
Trở thành môn đệ của Đức Giê-su là một ơn gọi đặc biệt. Vì vậy, Đức Giê-su chỉ thị “người môn đệ phải được tiếp đón”.
3. Tiếp đón người môn đệ (x. Mt 10, 40-42)
Theo văn hóa Do Thái, “người được sai đi” có quyền hành và được tôn trọng như “người sai đi”. Do đó, tiếp đón người môn đệ được Chúa sai đi là tiếp đón chính Đức Giê-su và Chúa Cha. “Tiếp đón” không dừng lại ở việc trú ngụ phần xác cho người bộ hành, nhưng nhắm đến sự chú ý, lắng nghe và vâng phục Lời mà các môn đệ rao giảng về Nước Trời. Thế nên, lời rao giảng của những môn đệ đích thực cần được đón nhận và vâng phục. Mặt khác, Thánh sử Mát-thêu ghi nhận “Ai tiếp đón kẻ bé mọn vì người ấy là môn đệ Đức Giê-su” (x. Mt 10, 42) ám chỉ đến “tư cách của người môn đệ, dù bé mọn, yếu đuối, nghèo khó cũng đáng được kính trọng”[1]. Bởi vì, dù tư cách họ nhỏ bé, nhưng họ vẫn là người môn đệ yêu Đức Giê-su hơn gia đình huyết tộc, vác thập giá và từ bỏ mạng sống theo Thầy. Như vậy, người được rao giảng cần tôn trọng, lắng nghe lời rao giảng của môn đệ Đức Giê-su cho dù họ có tư cách lớn hay nhỏ.
Kết luận: Dường như những đòi hỏi trở thành môn đệ của Đức Giê-su là nghịch lý. Nhưng sâu xa, những đòi hỏi đó diễn tả người môn đệ hoàn toàn thuộc về Đức Giê-su trong sứ mạng làm môn đệ của Người. Ngoài ra, những đòi hỏi đó tưởng như là sự điên rồ theo lẽ tự nhiên, nhưng nó lại vén mở ý nghĩa đi vào Tình Yêu vĩnh cửu và tuyệt đối của Thiên Chúa, điều được gọi là cùng đích của con người. Quả thật, thúc bách từ tình yêu, người môn đệ vác thập giá và hy sinh mạng sống để được ban sự sống vĩnh cửu đời sau. Do đó, sự hy sinh tất cả vì Nước Trời của người môn đệ được nhân loại đón nhận như những chứng nhân của sự bình an và hy vọng vào Nước Trời.
III. SUY NIỆM
Tất cả chúng ta đã là những môn đệ của Đức Giê-su nhờ bí tích Rửa Tội chúng ta đã lãnh nhận. Tuy nhiên, chúng ta đang ở tình trạng nào trong hành trình theo Chúa là câu hỏi mà chúng ta phải luôn đặt ra cho chính mình. Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần dựa vào ba tiêu chuẩn từ chính giáo huấn của Đức Giê-su mà chúng ta vừa tìm hiểu trên đây. Đó là các đòi hỏi: Yêu Chúa hơn cha mẹ, con cái; Sẵn sàng vác thập giá hằng ngày; và Dám hy sinh mạng sống vì ngài. Đây là những đòi hỏi không dễ dàng đối với chúng ta. Tuy nhiên, một khi chúng ta xác định Đức Giê-su là đối tượng và là trung tâm của cuộc đời chúng ta hiện tại và mai sau, chúng ta sẽ dễ dàng đáp lại những đòi hỏi này trong niềm vui và tình yêu dành cho ngài.
Chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu về chủ đề “Vác thập giá mình để theo Đức Giê-su”. Ở bài tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu chủ đề “Đêm tối đức tin”. Mời cộng đoàn đọc trước Mt 11,2-19.
[1] X. Lm. Phê-rô Hoàng Minh Tuấn, Đọc Tin Mừng Theo Thánh Mát-Thêu (Tập IV – Chương 8-14), nxb. Tôn Giáo, 2019, tr. 176.
Ban biên soạn Giáo lý Kinh Thánh
Tổng Giáo phận Hà Nội
Chiều : 17:30 • Chúa Nhật Chiều Thứ Bảy : 17:30 Lễ 1 : 05:00 Lễ 2 : 07:00 Lễ 3 : 08:30 Lễ 4 : 17:30 • CHẦU THÁNH THỂ Chúa Nhật : 16:30 Thứ Năm đầu tháng : 16:30 • GIẢI TỘI Trước và sau các lễ ngày thường • RỬA TỘI TRẺ EM Chúa Nhật đầu tháng : 10:00
Ý Cầu Nguyện Tháng Sáu
• Ý cầu nguyện:Cầu nguyện cho những người phải rời bỏ quê hương
Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người nhập cư, những người trốn chạy các cuộc chiến tranh hay sự nghèo đói, phải đối diện với những chuyến đi đầy nguy hiểm và bạo lực, có thể tìm thấy lòng hiếu khách cũng như những cơ hội mới về đời sống trong các nước đón nhận.