CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN A
Bài số 22: Chính anh em hãy cho họ ăn (Mt 14, 13-21)
Trong tuần trước, chúng ta đã tìm hiểu chủ đề “Hạt giống Lời Chúa” (x. Mt 13, 1-23). Tuần này, chúng ta sẽ học hỏi về chủ đề “Chính anh em hãy cho họ ăn” (x. Mt 14, 13-21) với ba phần chính: Một là, “Ý nghĩa của đoàn dân đi vào hoang địa tìm Đức Giê-su” (x. Mt 14, 13b-14). Hai là, “cuộc đối thoại giữa Đức Giê-su và các môn đệ” (x. Mt 14, 15-18); và ba là, “Đức Giê-su cho dân chúng ăn no nê” (x. Mt 14, 19-21). Giờ đây, chúng ta cùng tìm hiểu nội dung chi tiết.
I. NỘI DUNG
Trình thuật bắt đầu với thành ngữ “nghe tin ấy,” một tin liên hệ đến cái chết của Gio-an Tẩy Giả (x. Mt 14, 3-13), tác giả Tin mừng cũng hàm ẩn một kết cục bi thảm với Đức Giê-su. Trong chiều hướng đó, ngài đã lánh vào nơi hoang vắng để đi sâu vào việc kết hợp với Chúa Cha hầu kín múc nghị lực thần linh để chuẩn bị đón nhận cuộc Tử Nạn-Phục Sinh. Chính trong hoang địa này mà câu chuyện về phép lạ hóa bánh ra nhiều đã xảy ra ra.
Hoang mạc là nơi không có người ở, lạnh lẽ và cô đơn, nhưng thật lạ thường, “đông đảo dân chúng từ các thành đi bộ đến với Đức Giê-su” (x. Mt 14, 13b). Nếu thành thị là nơi sầm uất, phồn hoa, thì đoàn người đông đảo rời nơi đó đến hoang mạc đìu hiu, cô quạnh là những người bán tất cả đi mua thửa ruộng chứa kho báu, hay người thương gia bằng mọi giá mua được viên ngọc quý (x. Mt 13, 44-45). Khi thấy đoàn dân đông đảo (x. Mt 14, 14a) như bầy chiên không người chăn dắt (x. Mc 6, 34), Đức Giê-su “chạnh lòng thương” (x. Mt 14, 14b). Theo văn hóa Do Thái, “chạnh lòng thương” được diễn tả bằng hình ảnh “cái dạ của người mẹ” đang cưu mang và dưỡng nuôi con nhỏ. Trong dạ mẹ, người con được bảo vệ cách tuyệt đối an toàn và được nuôi dưỡng bởi thức ăn tinh tuyền là chính máu của người mẹ. “Máu” là hình ảnh biểu tượng cho sự sống thì người con được nuôi dưỡng bởi chính sự sống của người mẹ. Do đó, Đức Giê-su chạnh lòng thương đoàn dân đông đảo là hoạt động chuyển toàn dân vào trong dạ để nuôi dưỡng bằng chính sự sống của Thiên Chúa và bảo vệ dân trong quyền năng của Ngài. Đồng thời, từ dạ của Con Thiên Chúa sẽ sinh hạ một đoàn dân mới, đoàn dân thuộc về Nước Trời. Như vậy, ý nghĩa đích thực của đoàn dân đi tìm Nước Trời, là chuyến đi vào cung lòng của Thiên Chúa để được tái sinh trong đức tin, chữa trị và gia nhập cộng đoàn của Thiên Chúa.
Nút thắt của trình thuật được siết chặt bởi một thực tế éo le: “không gian hoang vắng với thời gian chiều tối, dân chúng cần thức ăn nuôi dưỡng thể xác” (x. Mt 14, 15).
2. “Cuộc đối thoại giữa Đức Giê-su và các môn đệ” (x. Mt 14, 15-18).
Buổi chiều là giờ khắc vũ trụ chuyển mình đi vào màn đêm, thì đó cũng là thời gian “tạm biệt và ra đi” hầu khỏa lấp nỗi nhớ quê nhà. Hay nó liên quan trực tiếp đến nhu cầu nuôi dưỡng thể xác của đoàn người đông đảo. Tuy nhiên, ngôn ngữ “lòng thương xót” của Đức Giê-su làm cho các môn đệ choáng váng: “họ không phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn đi” (x. Mt 14, 15). Đối chiếu với Tin Mừng Gio-an, thực trạng năm chiếc bánh và hai con cá được đặt trên môi miệng Tông đồ An-rê (x. Ga 6, 8-9), vì ông là người biết rõ địa lý trong hoang địa và vùng lân cận. Quả thực, việc tìm cách để có đủ bánh ăn cho đoàn dân trong hoang địa là điều không thể đối với khả năng của con người. Do đó, lời đề nghị của Đức Giê-su (x. Ga 6, 6) đối với các môn đệ là hãy mang đến cho Người sự bất lực của họ trước nghịch cảnh tìm kiếm thức ăn, mang sự thiếu thốn cùng cực của nhân loại đến cho Người. Như vậy, bế tắc của các môn đệ khi nghe lời chỉ định “chính anh em hãy cho họ ăn” hàm ẩn “điều quan trọng các môn đệ là chịu khó lắng nghe cõi lòng của Đức Giê-su để có bánh” và hãy đem đến sự giới hạn nơi thân phận con người cho Ngài.
Đức Giê-su đã ôm trọn tất cả những gì là bần cùng, bất toàn, để từ đó, Người vén mở vai trò đích thực của Người đối với đoàn dân.
3. “Đức Giê-su cho dân chúng ăn no nê” (x. Mt 14, 19-21)
Đức Giê-su truyền cho dân chúng ngồi xuống cỏ (x. Mt 14, 19a), thành từng nhóm (x. Mc 6, 39) gợi lại hình ảnh người mục tử chăn chiên (Tv 23, 1) và đồng cỏ hạnh phúc bình an. Do đó, Đức Giê-su là vị Mục Tử Tốt Lành cùng đoàn dân ngụp lặn trong hạnh phúc và niềm vui sung mãn. Hơn nữa, “khi cầm năm chiếc bánh và hai con cá dâng lời chúc tụng và tạ ơn” (x. Mt 14, 19b), “Đức Giê-su thực hiện hành động quen thuộc của người trưởng gia đình Do Thái trước bữa ăn”. Bởi vậy, trong gia đình mới, Đức Giê-su đại diện toàn dân hướng về Thiên Chúa sáng tạo và quan phòng. Đặc biệt, “Đức Giê-su ngước mắt lên trời trước khi dâng lời chúc tụng và tạ ơn” (x. Mt 14, 19c), là hành động quy hướng về Thiên Chúa, hiệp thông sâu xa với Ngài trong cầu nguyện, và trao phó mọi sự cho Chúa Cha. Do đó, hành động ngước mắt lên trời mang ý nghĩa đoàn dân và mọi sự đều thuộc về Chúa Cha, là người chủ đích thực của đoàn dân mới. Như vậy, trong gia đình mới, Đức Giê-su đóng vai trò là người mục tử chăm sóc từng thành viên, là đại diện trong gia đình chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa quan phòng, là người hướng dẫn đoàn dân hướng về Cha trên Trời.
Điều kỳ lạ, bài học được rút ra từ phép lạ rất nhiều, nhưng Thánh sử Mát-thêu không ghi nhận phản ứng của đám đông. Do đó, sứ điệp chính yếu từ phép lạ hóa bánh ra nhiều nhắm đến các môn đệ.
Nếu như phần mở đầu liên liên kết với biến cố Gio-an Tẩy Giả chịu chết, thì lệnh truyền “chính anh em hãy cho họ ăn” ám chỉ các môn đệ cũng phải hiến mình cùng Đức Giê-su cho cộng đoàn mới là Giáo Hội. Đồng thời, lệnh truyền này vén mở vai trò của người môn đệ tiếp nối sứ mạng của Đức Giê-su là mục tử chăm sóc, hướng dẫn đoàn chiên đi vào nơi hạnh phúc, bình an. Nhưng trên hết, việc Đức Giê-su trao bánh cho các môn đệ để họ phân phát cho dân chúng (x. Mt 14, 19c) diễn tả vai trò trung gian giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Thế nên, lệnh truyền “chính anh em hãy cho họ ăn” là lời mời gọi người môn đệ trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giê-su bằng hành động cụ thể là hy sinh tính mạng vì đoàn chiên, chăm sóc, hướng dẫn họ vào nguồn hạnh phúc đích thực, bởi họ là cầu nối đích thực giữa Thiên Chúa và con người.
II. SUY NIỆM
Trong đời sống cộng đoàn, thế giới hôm nay vẫn còn rất nhiều người đang đói khát về vật chất hay tinh thần. Đáng buồn là rất nhiều lần chúng ta đã vô cảm trước những mảnh đời đau khổ vì thiếu thốn vật chất hay những tâm hồn tan vỡ vì nhiều nguyên nhân. Chúng ta được sinh ra từ tình yêu của Thiên Chúa và là môn đệ của Đức Giê-su. Do đó, lệnh truyền của Chúa Giê-su cho các môn đệ: “chính anh em hãy cho họ ăn” cũng là lời mời gọi mỗi người chúng ta xây dựng cộng đoàn bằng việc hy sinh, chăm sóc, và cầu nguyện cho những người đau khổ về vật chất hay tinh thần.
Chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu về chủ đề “Chính Anh Em Hãy Cho Họ Ăn” để hiểu về vai trò của người môn đệ Chúa Giê-su trong đời sống cộng đoàn của Nước Trời. Ở bài tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu chủ đề “Ô uế và thanh sạch”.
Mời cộng đoàn vui lòng đọc trước đoạn Tin mừng Mt 15, 10-20.
Ban biên soạn Giáo lý Kinh Thánh
Tổng Giáo phận Hà Nội
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo Hội để Giáo Hội thực thi việc lắng nghe và đối thoại như một lối sống ở mọi cấp độ, và để Giáo Hội được Chúa Thánh Thần dẫn tới các vùng ngoại biên của thế giới.
• Ý truyền giáo: Xin cho mọi thành phần Dân Chúa trong giáo phận Qui Nhơn chúng ta biết ăn năn hoán cải, canh tân đời sống và nhất là siêng năng lần hạt Mân Côi chung trong gia đình cũng như nơi từng cộng đoàn.