MÙA CHAY DẪN ĐẾN SỰ CHỮA LÀNH NHƯ THẾ NÀO?
Kathleen Beckman
WHĐ (21.3.2023) - Bốn mươi ngày Chay thánh trong việc cầu nguyện và ăn chay mang đến một tiến trình chữa lành và giải thoát. Vào mùa Chay, chúng ta đặt bản thân gần hơn với Người tôi trung đau khổ là Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta suy tư về sự thống khổ của Đấng cứu thế. Chúng ta nhớ lại rằng cuộc khổ nạn của Đức Kitô đã thánh hoá tất cả đau khổ của con người. Chúng ta có liên quan tới nỗi đau của Người vì tất cả chúng ta bị ảnh hưởng bởi sức nặng chung của tội lỗi và sự dữ trong thế gian. Nó tấn công chúng ta mỗi ngày trong cuộc sống. Người Kitô hữu được mời gọi đẩy lùi những cơn sóng của tội lỗi và sự dữ.
Tại sao mùa Chay lại đặt ra một mối nguy thực sự cho vương quốc tối tăm? Bởi lẽ, đây là thời điểm tập trung vào cầu nguyện, thống hối và làm việc bác ái. Chiếc kiềng ba chân này có chủ đích hướng đến việc đào luyện tình yêu. Chúng ta nỗ lực sắp xếp lại đời sống mình rập theo khuôn khổ Tin Mừng. Nhờ vào sự đau khổ của Đức Kitô, chúng ta một lần bước vào trái tim mình; bước vào phần chi thể khao khát có được cuộc gặp gỡ và chữa lành. Trên Thánh giá, tình yêu Thiên Chúa được tỏ lộ. Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, cầu nối tới cuộc Phục sinh, làm mềm trái tim của chúng ta; thách thức tâm trí của chúng ta. Mầu nhiệm Vượt qua là câu chuyện tình yêu đặc biệt; đó là câu chuyện của chúng ta, của riêng từng cá nhân chúng ta. Chúa Kitô nhìn thấy bạn và tôi từ trên Thánh Giá. Với tội lỗi của mình, chúng ta một lần nữa hô vang, “Đóng đinh nó vào thập giá.”
Đức Kitô tự do trao hiến mạng sống của Người để cứu độ chúng ta. Ma quỷ kinh ghét mùa Chay do bởi các tín hữu nhớ về phẩm giá của mình trong ánh sáng của cuộc khổ nạn Đức Kitô. Chúng ta nhớ lại cái giá mà Người đã trả để chữa lành và giải thoát chúng. Đồi Canvê là vấn đề sống còn. Nhờ những thương tích của Người, chúng ta nhận được sự chữa lành như được hiểu trong Kinh thánh, “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành” (1Pr 2,24).
Bảy yếu tố then chốt cho sự giải phóng mang tính chữa lành:
1. Sự ý thức
Kinh Thánh nói với chúng ta rằng “Hãy tỉnh thức.” Mùa Chay mời gọi chúng ta hãy ý thức về sự hiện diện liên lỉ của Thiên Chúa. Chúng ta hãy xét lại sự ý thức và lương tâm của mình để thống hối và gia tăng tự do hiểu biết, yêu mến và phục vụ Thiên Chúa. Chúng ta cần luôn ý thức về việc chúng ta yêu mến ai hoặc điều gì. Tôi đã từng nghe một cha giảng phòng danh tiếng thách thức thính giả gồm các giáo sĩ của mình rằng, “Thưa các cha, nếu các cha không ý thức được sự hiện diện tràn ngập của các thiên thần trong khán phòng này ngay bây giờ, thì cột ăng-ten thiêng liêng của các cha vẫn chưa có tín hiệu đâu.”
Ý thức về vương quốc thiêng liêng cho phép chúng ta sống trong sự hiện diện huyền nhiệm của Ba Ngôi Thiên Chúa, của các thiên thần và các thánh. Ý thức về chân lý tăng sức cho chúng ta lánh xa sự dữ. Hãy mang lấy trách nhiệm chăm sóc cho linh hồn của bạn. Chúng ta có một kẻ thù (ma quỷ) luôn bày mưu ám hại sự ý thức của chúng ta đối với Thiên Chúa bởi vì hắn luôn luôn ghen tỵ trong mọi sự.
2. Tính trách nhiệm
Trong suốt mà Chay, Giáo hội luôn chủ ý tăng thêm nhiều cơ hội cho bí tích Hoà giải. Bí tích này là một trong hai bí tích “chữa lành.” Việc đảm nhận trách nhiệm của một cha giải tội là điều rất tốt lành cho các linh hồn, vốn mang đến sự trợ giúp cho họ khỏi sự hổ thẹn và tội lỗi, đồng thời giải phóng họ khỏi sức nặng của “sự đau yếu trong tội lỗi.” Bí tích Hoà giải là một cuộc gặp gỡ mang tính chữa lành với Đức Kitô, Đấng luôn mau chóng ôm lấy chúng ta bằng lòng thương xót êm dịu của Người.
Trong những câu chuyện về sự chữa lành của Kinh thánh, hãy chú ý đến cách thức Đức Kitô yêu cầu người đang ưu phiền phải chịu trách nhiệm với tội lỗi của mình trước. Vợ chồng phải có trách nhiệm với nhau, và con cái phải có trách nhiệm với cha mẹ. Tính trách nhiệm đó hình thành một sự đùm bọc thiêng liêng mạnh mẽ trong gia đình. Ma quỷ thường cám dỗ chúng ta hướng đến việc riêng tư ích kỷ và những đặc quyền ẩn kín. Trước hết, chúng ta nên thừa nhận về những gì chúng ta đã làm và những gì còn thiếu sót; sau đó chúng ta hãy để chúng cuộn vào trong lòng đại dương của tình thương xót – bí tích Hoà giải.
3. Sự mặc khải
Mầu nhiệm Vượt qua là sự tỏ lộ của tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. Dù vậy, chẳng thể nào chiêm ngắm hết được sự mặc khải của Chúa Cha nơi Con Người. Trong suốt mùa Chay, chúng ta có thể đào sâu tình yêu với Thiên Chúa và gia tăng sự kết hiệp với sự sống của Đức Kitô.
Điều đó xảy ra như thế nào? Hãy nghĩ về các thánh thời hiện đại, thánh Gioan Phaolô II và thánh Têrêsa Calcutta. Được biến đổi bởi sự mặc khải của Thiên Chúa, họ đã phản chiếu vẻ đẹp nội tâm, phẩm tính và nhân đức của Chúa Giêsu hết sức mạnh mẽ đến mức người ta không thể chối từ, ngay cả đối với những người không có niềm tin. Cuộc biến đổi nên giống Chúa Giêsu của họ thúc đẩy sự phục vụ của họ cho Hội thánh và cho nền văn hoá khởi đi từ những người nghèo nhất. Các thánh biến đổi mọi thứ vì sự thiện lành. Họ là một biểu thị cho khả năng anh hùng nơi con người được biến đổi nên giống Đức Kitô.
4. Việc đền bù
Mùa Chay là thời gian để thực hiện một việc đền bù cho những tội lỗi của thế giới. Theo truyền thống giáo hội Công giáo Rôma, một việc đền bù là việc đọc kinh cầu nguyện hoặc việc thờ lạy tôn thờ với ý định đền cho “những tội của những người khác”, ví dụ để đền tội lộng ngôn thì thực hiện việc tôn thờ những thương tích của Chúa Giêsu. Việc đền bù cho tội lỗi của người khác là một hành vi thương xót mạnh mẽ. Nếu tôi có thể dâng Chúa hành vi đền bù của tôi để đền cho tội lỗi của các gia đình (kể cả gia đình tôi), đó sẽ là một ân huệ đáng để thực hiện. Nếu bạn có một người thân nào đang rời bỏ Giáo hội (cả những người còn hiệp thông cùng giáo hội), bạn có thể dâng sự đền bù cho trái tim Chúa Giêsu. Thánh Tâm Người luôn bị đâm thâu bởi tội lỗi của chúng ta. Thần khí xấu sẽ luôn cám dỗ và ngăn cản bạn khỏi sự đền bù. Hãy kiên vững và chúng sẽ chạy xa bạn.
5. Sự đơn sơ
Các thực hành mùa Chay khuyến khích chúng ta đơn giản hoá đời sống của mình. Nhiều người trong chúng ta cố gắng gia tăng khổ chế trong suốt 40 ngày sám hối. Lời cầu nguyện làm đơn giản hoá trái tim. Ăn chay thanh tẩy tâm hồn. Việc bác ái thì tán tụng Thiên Chúa. Sự đơn giản bên trong và bên ngoài biểu thị sự thanh khiết của tâm hồn. Bớt đi những thoả mãn vật chất là gia tăng không gian cho Thiên Chúa. Chúng ta có thể suy tư về sự đơn sơ của Đức Maria để thấy được sự linh thánh và vẻ đẹp của sự đơn sơ này. Thậm chí trong suốt cuộc khổ nạn của Con Thiên Chúa, Mẹ đã nên gương mẫu bằng sự đơn sơ khao khát chỉ mình thánh ý Thiên Chúa. Bất kỳ ai đã đọc tác phẩm kinh điển The Screwtape Letters – Chiến thuật của ma quỷ (Một bài học đáng giá cho cuộc chiến đấu thiêng liêng) của C.S. Lewis, đều học được cách thức các thần khí xấu cố gắng phức tạp hoá đời sống của chúng ta để kéo chúng ta ra khỏi Thiên Chúa.
6. Vâng phục
Ý niệm Công giáo về “sự vâng phục của đức tin” là yếu tố then chốt. Sách giáo lý Hội Thánh Công giáo giải thích rằng:
“Bằng đức tin, con người đem trí khôn và ý chí của mình quy phục Thiên Chúa cách trọn vẹn. Con người đặt trọn bản thân quy thuận Thiên Chúa, Đấng mặc khải. Thánh Kinh gọi việc đáp lại này của con người đối với Thiên Chúa, Đấng mặc khải, là ‘sự vâng phục của đức tin’.” (GLHTCG, số 143)
Vâng phục là một lời đáp trả tự nguyện đối với đức tin vào Thiên Chúa. Chúng ta vâng phục bởi chúng ta tin và yêu mến Đấng tạo hoá. Một phần ba các thiên thần đã bị đuổi khỏi thiên đàng vì họ đã quyết định bất tuân, và chống lại ý muốn của Thiên Chúa. Sự vâng phục là chiếc áo giáp bảo vệ tuyệt vời. Kinh Thánh cho thấy rằng Thiên Chúa yêu mến sự vâng phục. Sự vâng phục đức tin đôi khi không dễ dàng, nhưng ân sủng sẽ làm cho mọi sự thành toàn.
7. Khiêm tốn
Khiêm tốn là sự thật; nhân đức giúp bảo vệ một người khỏi việc đi quá sự thật về chính mình. Tính kiêu ngạo thì làm điều ngược lại. Ađam và Evà đã minh chứng về sự kiêu ngạo ngang qua sự bất tuân phục trong vườn Địa đàng. Sự khiêm tốn kiềm hãm khao khát ngỗ nghịch cho sự vĩ đại ích kỷ và đưa chúng ta đến sự trân quý đích thực trong việc kính trọng Thiên Chúa và tha nhân. Sự khiêm hạ trên bình diện tôn giáo thừa nhận sự bình đẳng thụ tạo giữa mọi người với nhau. Sự khiêm hạ không chỉ đối nghịch với tính tự kiêu. Nó còn chống lại một sự tự hạ thái quá, vốn làm cho bản thân thất bại trong việc nhìn nhận những ân ban của Thiên Chúa và sử dụng chúng theo thánh ý Người. Sự khiêm hạ trong tiếng Latin có nghĩa là humus – bùn đất hoặc là đất.
Mùa Chay tạo ra một cơ hội đặc biệt để nhìn ngắm và noi theo sự khiêm hạ của Chúa Kitô. Tính kiêu ngạo có thể ẩn mình dưới những góc khuất của trái tim chúng ta. Vào ngày thứ Tư lễ tro, Hội Thánh nhắc nhớ chúng ta rằng, “con là bụi đất”. Tôi cũng thường xuyên nhắc nhở bản thân rằng mình là bụi đất, nhưng hơn nữa tôi cũng luôn ý thức rằng Máu Thánh Chúa Kitô đã thánh hiến, cứu độ và chữa lành thân phận bụi đất của tôi.
Mùa Chay dẫn đến sự chữa lành như thế nào? Cùng bước với Chúa Kitô vào trong sự chết, chúng ta sẽ cùng Người trỗi dậy vào ngày Phục sinh, đó là một cuộc sáng tạo mới.
Quang Sáng
Chuyển ngữ từ: catholicexchange.com (02.3.2023)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn