Tiệc cưới Nước Trời

Thứ bảy - 14/10/2023 07:05
CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN A

Chúa nhật 28 Thường niên năm A (Mt 22, 1-14) - Chọn và gọi
 
Phúc Âm: Mt 22, 1-10
“Các ngươi gặp bất cứ ai, thì hãy mời vào dự tiệc cưới”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêô.
Khi ấy, Chúa Giêsu lại phán cùng các đầu mục tư tế và kỳ lão trong dân những dụ ngôn này rằng: “Nước trời giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử. Vua sai đầy tớ đi gọi những người đã được mời dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến. Vua lại sai các đầy tớ khác mà rằng: “Hãy nói cùng những người đã được mời rằng: Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng: xin mời các ông đến dự tiệc cưới”. Những người ấy đã không đếm xỉa gì và bỏ đi: người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán; những người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi. Khi vua nghe biết, liền nổi cơn thịnh nộ, sai binh lính đi tru diệt bọn sát nhân đó, và thiêu huỷ thành phố của chúng. Bấy giờ vua nói với các đầy tớ rằng: “Tiệc cưới đã dọn sẵn sàng, nhưng những kẻ đã được mời không đáng dự. Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới”. Các đầy tớ liền đi ra đường, gặp ai bất luận tốt xấu, đều quy tụ lại và phòng cưới chật ních khách dự tiệc.

Suy niệm
Tiệc cưới Nước Trời

“Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình.” Câu này chỉ rõ mối giao ước giữa Thiên Chúa và nhân loại như một cuộc hôn nhân, được hoàn tất trong Chúa Giêsu Kitô. Qua các dụ ngôn, chúng ta thấy nhiều lần Chúa Giêsu ám chỉ Người chính là chàng rể của tiệc cưới (Ví dụ: khách dự tiệc cưới không ăn chay khi chàng rể còn ở với họ; dụ ngôn mười trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể). Biểu tượng về tiệc cưới không phổ biến lắm trong ý nghĩa ngôn ngữ của chúng ta ngày nay, nhưng toàn bộ Kinh Thánh dùng thuật ngữ này để nói về kế hoạch của Thiên Chúa với nhân loại. Giao ước mà Thiên chúa ký kết với dân Người được ví như một cuộc hôn nhân. Thiên Chúa là Phu quân của Israel và tình yêu của Người dành cho nhân loại được diễn tả qua tương quan tình yêu vợ chồng.

Đây là ý nghĩa đầu tiên từ dụ ngôn này: tất cả mọi người, không phân biệt tốt xấu, đều được Thiên Chúa mời gọi đón nhận ơn cứu độ Người tặng ban. Nhưng câu chuyện bỗng trở nên phức tạp khi tiệc cưới có nguy cơ không thể diễn ra vì vắng khách mời. Thật vậy, những vị khách được mời đầu tiên đã không đến dự tiệc vì họ lo làm ăn hoặc vì bận rộn công việc. Họ chỉ bận tâm đến cuộc sống riêng của mình và không quan tâm gì đến lời mời gọi của Chúa. Có lẽ chúng ta cũng thấy phảng phất hình ảnh của chính mình nơi những vị khách này khi chúng ta viện cớ này, lý do nọ để không đến với Chúa, hay để tránh né thi hành một nghĩa vụ nào đó mà Chúa mời gọi…

Về trang phục cưới, chúng ta tự hỏi tại sao vị vua này lại đối xử nghiêm khắc với một người không mặc y phục lễ cưới, trong khi vua muốn tiếp đón tất cả mọi người, cả tốt lẫn xấu? Thực ra, việc người này không mặc y phục lễ cưới  là hình ảnh đại diện cho tất cả những ai lạm dụng lòng nhân từ của Chúa và không đáp ứng những đòi hỏi của tình yêu của Người! Đúng vậy, Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô điều kiện và mãi mãi, nhưng điều đó không có nghĩa là Người không đòi hỏi chúng ta phải đáp lại tình yêu của Người. Thử tưởng tượng một chàng trai hẹn gặp người yêu của mình, và anh ta đợi cô ấy với một bó hoa thật đẹp và một món quà dễ thương để tặng cô ấy, nhưng cô ta lại không đến buổi hẹn hoặc đến mà không chuẩn bị gì cả: không sạch sẽ, đầu tóc rối bù, quần áo lôi thôi! Ta hình dung buổi hẹn hò này sẽ như thế nào? Chắc chắn là bị hỏng rồi! Dầu sao di nữa, buổi hẹn hò này sẽ không đẹp và thơ mộng như chàng trai mong đợi! Nhưng điều quan trọng là, thái độ chuẩn bị của cô gái cho thấy cô không trân trọng, hay đúng hơn cô coi thường tình yêu mà chàng trai dành cho cô… Còn chúng ta thì sao, chúng ta đến điểm hẹn gặp Thiên Chúa với thái độ nào?

Chúng ta đừng quên rằng Thiên Chúa rất nghiêm túc trong tình yêu. Người không muốn có mối tình thoáng qua với chúng ta. Người yêu mỗi người chúng ta bằng một tình yêu tuyệt đối, không chia sẻ. Hằng ngày, và nhất là mỗi Chúa Nhật, Thiên Chúa Cha mời gọi chúng ta đến tham dự Thánh lễ, nói cách khác, đến dự tiệc cưới của Con Một Người, nơi mà Người trao ban chính mình cho chúng ta. Người muốn chia sẻ tình yêu của Người với chúng ta, trò chuyện với chúng ta, và trao ban cho chúng ta tất cả những gì tốt đẹp trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Vì thế, chúng ta đừng bỏ cuộc hẹn yêu thương tuyệt vời này vì bất cứ lý do gì nhé!

Thiên Chúa là Cha nhân từ. Người muốn quy tụ tất cả mọi người, không trừ một ai vào trong vương quốc của Người. Vương quốc của Người không có biên giới, nhưng Người cũng không hạ thấp những đòi hỏi của Người. Ta không nên đi dự tiệc với tâm hồn đầy hiềm khích, hận thù, hoặc, để dùng lại hình ảnh của Chúa Giêsu, với y phục không xứng hợp! Ta cần phải “thay trang phục” và mặc y phục lễ cưới, tức là có tâm tình sám hối, lòng bác ái và tình yêu thương. Chúa không loại trừ ai ra khỏi Vương quốc của Người, nhưng Người cho chúng ta quyền tự do chọn lựa, nên mỗi chúng ta đều có quyền đáng sợ là tự loại chính mình ra khỏi Nước Chúa!

Ý nghĩa thứ hai của dụ ngôn này là, ơn cứu chuộc của Chúa được ban cho tất cả mọi người, nhưng nó không phải là một quyền lợi hiển nhiên, ai cũng đạt được mà không cần phải cố gắng hay nỗ lực. Nói cách khác, các chứng chỉ Rửa Tội, Rước lễ Lần Đầu và Thêm Sức không phải là tấm vé tự động để vào bữa tiệc Nước Trời. Vì thế, Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít”, vì nó phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng đáp trả của mỗi người chúng ta trước lời mời gọi của Chúa. Chỗ khác, Chúa Giêsu đã nhắc nhở: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha thầy là Đấng ngự trên trời.” Chúa Giêsu nhấn mạnh mối liên kết chặt chẽ giữa “nói” và “làm”, giữa đức tin được tuyên xưng và đức tin được thực hành. Vì vậy, nói “Tôi tin Chúa nhưng tôi không hành đạo” thì thật mâu thuẫn! Có thể nói rằng khi làm theo ý muốn của Chúa là chúng ta mặc cho mình chiếc áo cưới, nghĩa là bước vào mối tương quan với Chúa, là sống với Người và trong Người.

Mỗi lần đến tham dự Thánh lễ là mỗi lần chúng ta đón nhận ơn phúc của Chúa: “Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa.” Ước gì mỗi chúng ta cũng biết chuẩn bị tâm hồn mình sao cho thật xứng đáng mỗi khi đến tham dự Thánh lễ, để chúng ta thực sự cảm nhận được niềm hạnh phúc, và đón nhận được ơn phúc mà Chúa luôn muốn trao ban cho chúng ta nơi bàn tiệc Thánh Thể. Amen.
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thời biểu Phụng vụ Giáo xứ
  THÁNH LỄ
   • Ngày thường
   Sáng : 05:00
   Chiều : 17:30
   • Chúa Nhật
   Chiều Thứ Bảy : 17:30
   Lễ 1 : 05:00
   Lễ 2 : 07:00
   Lễ 3 : 08:30
   Lễ 4 : 17:30

  • CHẦU THÁNH THỂ
   Chúa Nhật : 16:30
   Thứ Năm đầu tháng :
   16:30

  • GIẢI TỘI
   Trước và sau các lễ ngày      thường
  • RỬA TỘI TRẺ EM

   Chúa Nhật đầu tháng : 
     10:00

 
Ý Cầu Nguyện Tháng Năm
• Ý cầu nguyện: Cầu nguyện cho việc đạo tạo các tu sĩ nam nữ và các chủng sinh
Chúng ta hãy cầu nguyện để các tu sĩ nam nữ và các chủng sinh được lớn lên trong tiến trình ơn gọi nhờ việc đào tạo nhân bản, mục vụ, thiêng liêng và cộng đoàn, làm họ trở thành những chứng nhân đáng tin cậy vào Tin Mừng.
DGM. MATTHEN NGUYEN VAN KHOI
  ĐGM. MATTHÊÔ NGUYỄN VĂN KHÔI
Lịch Công Giáo Giáo Phận
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây