Con người mới

Chủ nhật - 31/03/2024 04:38
SUY NIỆM CHÚA NHẬT ĐẠI LỄ PHỤC SINH
 
Phúc Âm: Ga 20, 1-9
“Người phải sống lại từ cõi chết”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan.
Ngày đầu tuần, Ma-ri-a Ma-đa-lê-na đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Si-môn Phê-rô và người môn đệ kia được Chúa Giê-su yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”. Phê-rô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phê-rô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Si-môn Phê-rô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.

Suy niệm
Con người mới
 

Nghi thức Vọng Phục sinh mang nhiều ý nghĩa biểu tượng rất sinh động. Tất cả điều diễn tả những thực tại mới mẻ: Thiên Chúa thực hiện một cuộc sáng tạo mới qua cái chết của Con Một Ngài; Đức Giê-su Phục sinh biến đổi sang một trạng thái hiện hữu mới. Người không còn bị giới hạn bởi thời gian và không gian như trước đây; Những ai tin vào Đức Giê-su, từ nay trở thành con người mới. Họ sống trong ánh sáng kỳ diệu siêu nhiên, chứ không còn đắm chìm trong tối tăm nữa. Nghi thức Vọng Phục sinh mời gọi người tín hữu cùng nhìn lại quá khứ, để thấy những điều kỳ diệu Thiên Chúa đã làm trong lịch sử. Ngài can thiệp vào lịch sử nhân loại bằng quyền năng mạnh mẽ và bằng tình yêu thương. Hôm nay, Thiên Chúa vẫn đang tiếp tục thực hiện những điều kỳ diệu trong thế giới của chúng ta. Khi mừng lễ Phục sinh, người tín hữu được mời gọi cố gắng không ngừng để thực sự trở nên con người mới trong Đức Giê-su Ki-tô.

Lâu nay, thi thoảng chúng ta cũng nghe thấy cụm từ “con người mới” trong các văn bản của xã hội. Theo quan điểm này, con người mới là con người văn minh, tri thức và có văn hóa. Nét văn hoá ấy thể hiện trong ngôn từ, cách ứng xử, cộng tác bảo vệ môi trường sinh thái và có tinh thần trách nhiệm với công ích.

Theo nhãn quan Ki-tô giáo, “Con người mới” đương nhiên là phải có những đức tính căn bản nêu trên. Tuy vậy, để được gọi là con người mới thực sự, thì người tin Chúa phải “ở trong Người”. Thánh Phao-lô đã viết: “Nếu ai ở trong Đức Giê-su Ki-tô, thì người ấy là thụ tạo mới” (2 Cr 5,17). Ở trong Đức Ki-tô là lối diễn tả sự gắn bó mật thiết với Người, nên một với Người và chỉ nói hay làm những gì phù hợp với giáo huấn của Người. Những ai ở trong Đức Giê-su lúc nào cũng cảm nhận được sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa trong mọi bối cảnh của cuộc sống. Họ sẽ không còn suy nghĩ, nói năng hay làm những điều khuất tất, vì họ luôn sống dưới cái nhìn yêu thương của Người. Nói tóm lại, người sống trong Đức Giê-su như thể đã được nếm hưởng thiên đàng khi còn ở dương thế.

Chúa Giê-su là “Con Người Mới”. Thánh Phao-lô gọi Chúa Giê-su là A-đam mới, đối nghịch với A-đam ở khởi đầu của lịch sử. Thánh nhân viết: “Cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống. Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thanh người công chính” Rm 5,19-19). Nhiều nhà thần học thích dùng thuật ngữ “A-đam cuối cùng” để nói về Chúa Giê-su, vì sau Người, nhân loại không còn phải chờ đợi một vị Thiên sai nào nữa.

Là Con Người Mới, Chúa Giê-su là mẫu mực cho hết thảy chúng ta. Người là “Thần Tượng”, là “Anh Cả” của mọi Ki-tô hữu. Nói cách khác, con người chỉ đạt được tầm vóc “con người mới” khi trở nên giống Đức Giê-su. Thánh Phao-lô đã diễn tả bằng một động từ “mặc lấy”, như thể người Ki-tô hữu được bao trùm bởi chính Đức Giê-su. “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xa xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối. Anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4,22-24). Đương nhiên đây không chỉ là sự bao trùm bề ngoài, mà là sự thấm đượm tận căn và có sức biến đổi chúng ta. Như thế, để được nên con người mới, chúng ta phải đoạn tuyệt quá khứ còn nhiều bất toàn, để nên giống Đức Giê-su, Đấng đã sống lại vinh quang. Thánh Phao-lô (trong Bài đọc II) diễn tả một cách cụ thể hơn: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Giê-su đang ngự bên hữu Thiên Chúa”. Con người sống trên trần gian luôn bị giày vò và giằng xé giữa hai thế lực: giữa thượng giới và hạ giới; giữa bản năng và ý chí. Tiến trình trở nên con người mới là tiến trình phấn đấu không ngừng để vươn tới thượng giới, như Đức Giê-su đã đạt tới thượng giới và đang ở bên Chúa Cha. Nói cách khác, hành trình nên thánh là những nỗ lực để gần với trời và xa khỏi đất.

Biến cố Phục sinh đã làm cho hai môn đệ là Phê-rô và Gio-an mang một cái nhìn hoàn toàn mới. Trước đó, khi nghe mấy người phụ nữ nói Chúa đã sống lại, hai ông còn bán tín bán nghi. Chỉ khi tận mắt nhìn thấy ngôi mộ trống, hai ông mới tin và hồi tưởng lại những gì Thầy mình đã nói trước. Hai ông đã trở nên con người mới, trước ngôi mộ trống của ngày Phục sinh và hai ông đã lấy chính mạng sống mình để làm chứng cho Chúa Phục sinh.

Mừng lễ Phục sinh, mỗi chúng ta cũng phải trở nên người mới, con người của ân sủng và mặc lấy Chúa Giê-su. Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI đã viết: “Biến cố Phục sinh là một cái gì mới đi vào trần thế, và từ đó Giáo Hội đã có thể hình thành. Và trong thực tế, Phục sinh là cộng đoàn của những người tin vào Chúa Ki-tô, cộng đoàn của Dân Thiên Chúa mới” (Thiên Chúa và trần thế, Tr. 347). Như thế, trong Đức Giê-su Phục sinh, tất cả tín hữu làm thành một dân hoàn toàn mới, một dân tộc thánh thiện, nhân ái và cùng nhau tiến về Quê Trời.
 +TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thời biểu Phụng vụ Giáo xứ
  THÁNH LỄ
   • Ngày thường
   Sáng : 05:00
   Chiều : 17:30
   • Chúa Nhật
   Chiều Thứ Bảy : 17:30
   Lễ 1 : 05:00
   Lễ 2 : 07:00
   Lễ 3 : 08:30
   Lễ 4 : 17:30

  • CHẦU THÁNH THỂ
   Chúa Nhật : 16:30
   Thứ Năm đầu tháng :
   16:30

  • GIẢI TỘI
   Trước và sau các lễ ngày      thường
  • RỬA TỘI TRẺ EM

   Chúa Nhật đầu tháng : 
     10:00

 
Ý Cầu Nguyện Tháng Sáu
• Ý cầu nguyện: Cầu nguyện cho những người phải rời bỏ quê hương
Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người nhập cư, những người trốn chạy các cuộc chiến tranh hay sự nghèo đói, phải đối diện với những chuyến đi đầy nguy hiểm và bạo lực, có thể tìm thấy lòng hiếu khách cũng như những cơ hội mới về đời sống trong các nước đón nhận.
DGM. MATTHEN NGUYEN VAN KHOI
  ĐGM. MATTHÊÔ NGUYỄN VĂN KHÔI
Lịch Công Giáo Giáo Phận
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi