Trong bối cảnh hết sức ý nghĩa này, Ðức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm - Giám mục Giáo phận Mỹ Tho, Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam - đã dành cho báo Công giáo và Dân tộc một cuộc phỏng vấn, cùng nhìn lại quá khứ, ngẫm nghĩ về hiện tại và hành trình phía trước của Giáo hội…
+ CGvDT: Việc thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam năm 1960 đánh dấu sự trưởng thành của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam. Thưa Ðức cha, nếu nói về những thành tựu suốt 60 năm qua, thì đâu là điểm nhấn đáng chú ý ?
- Ðức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Ngày 24.11.1960, Ðức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII ban hành Sắc chỉ Venerabilium Nostrorum, quyết định thiết lập Hàng Giáo phẩm Công giáo Việt Nam. Chưa đầy 2 tháng sau, ngày 14.1.1961, ngài lại gởi Tông thư Jam in Pontificatus cho Hàng Giáo phẩm nước ta, đưa ra nhiều chỉ dẫn và định hướng cho Giáo hội Công giáo tại Việt Nam.
Ðọc lại Tông thư đó và đối chiếu với tình hình hiện nay, điều nổi bật là sự phát triển rất nhanh của Công giáo tại Việt Nam. Trong Tông thư, Thánh Gioan XXIII viết : “Quyết định trên đây đã được chấp thuận cách chính đáng vì Giáo hội theo dõi những tiến bộ khả quan đã đạt được bên Quý Quốc. Thật vậy, dân số Công giáo năm 1900 mới có 812.000 người; năm 1927 lên tới 1.237.249 người; ngày nay (năm 1960) đã vượt quá con số một triệu rưỡi”. Ðó là những thống kê năm 1960, còn hiện nay (năm 2020), dân số Công giáo tại Việt Nam là gần 7 triệu giáo dân, thuộc 27 giáo phận, với khoảng 4.500 giáo xứ, hơn 4.000 linh mục và khoảng 23.000 tu sĩ nam nữ thuộc hơn 240 dòng tu.
Rõ ràng sự phát triển về dân số Công giáo và ơn gọi linh mục, tu sĩ là thành tựu nổi bật của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam. Sự phát triển này thật đáng quý nếu chúng ta biết rằng, Giáo hội không phát triển trong nhung lụa, nhưng đã phải trải qua những giai đoạn có các hoàn cảnh khó khăn nhất định. Lại càng đáng quý hơn nếu chúng ta đặt mình vào bối cảnh Giáo hội toàn cầu hiện nay, với sự sa sút ơn gọi linh mục, tu sĩ trong nhiều quốc gia.
Với sắc chỉ Venerabilium Nostrorum năm 1960, Hàng Giáo phẩm Việt Nam được thiết lập, ba vị Tổng Giám mục đầu tiên khi ấy (từ trái sang phải) là Đức Hồng y TGM Giuse Maria Trịnh Như Khuê - TGM Hà Nội; Đức cha Phêrô Martinô Ngô Đình Thục - TGM Huế và Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Bình - TGM Sài Gòn.
+ Như vậy, sự kiện thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam có ý nghĩa như thế nào trong thời đại chúng ta hôm nay, thưa Ðức cha ?
- Tôi trả lời những câu hỏi này trong khung cảnh những ngày Tết Canh Tý 2020, những ngày chúng ta thể hiện đạo lý của dân tộc Việt Nam là đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Vì thế, tâm tình trước hết là lòng biết ơn các tiền nhân, tất cả các Kitô hữu Việt Nam đã ra đi trước chúng ta, cách riêng là những người mà Thánh Gioan XXIII gọi là “thợ trong vườn nho Phúc Âm, trải qua 3 thế kỷ, đã nối tiếp nhau xây dựng vườn nho thiêng liêng của Chúa tại nơi đây, bằng bao nhiêu công lao vất vả, bằng bao nhiêu hy sinh nặng nhọc, có khi bằng cả xương máu, để mở đường và tạo nên cơ hội thuận tiện cho việc thiết lập Phẩm trật Giáo hội ngày nay” (Jam in Pontificatus).
Tâm tình kế tiếp là sự khiêm tốn. Chúng ta có thể vui mừng về sự phát triển dân số Công giáo tại Việt Nam, nhưng xin đừng quên đây cũng là đà phát triển dân số nói chung tại Việt Nam chứ không phải là điều gì quá đặc biệt. Hơn thế nữa, phát triển về số lượng không hẳn đã là dấu chỉ của sự phát triển bền vững. Nhìn vào bối cảnh toàn cầu, đã có những quốc gia có tỷ lệ Công giáo tới 80% chứ không chỉ là 8% như ở Việt Nam, thế nhưng ngày nay lại sa sút trầm trọng, ví dụ Brazil trong 25 năm qua mất 25% dân số Công giáo; tại Hoa Kỳ, Giám mục Robert Barron cho biết trong những năm gần đây, cứ 1 người gia nhập Công giáo thì 6 người rời bỏ Giáo hội !
Cũng vì thế, cùng với tâm tình tạ ơn Chúa và các tiền nhân, người Công giáo Việt Nam phải ý thức trách nhiệm của mình trong việc củng cố, phát triển Giáo hội hiện nay và tương lai. Chính Thánh Gioan XXIII đã nhấn mạnh điều này khi quyết định thiết lập Hàng Giáo phẩm Công giáo Việt Nam. Ngài viết : “Giáo dân Việt Nam phải nhìn nhận nơi danh dự cao quý này một bằng chứng nâng cao giá trị cho những truyền thống Công giáo cố hữu tại đây, truyền thống đã được ghi dấu bằng máu Các Thánh Tử Ðạo, và máu này đã phát sinh ra nhiều giáo dân. Hơn nữa, danh dự này còn là một tiếng gọi, nhắc cho họ phải ý thức rõ rệt những nghĩa vụ của người Công giáo và công dân” (Jam in Pontificatus).
Đại hội Dân Chúa năm 2010
+ Chắc hẳn Hội đồng Giám mục Việt Nam đã có những định hướng chung cho tương lai Giáo hội, vượt qua thách đố ?
- Nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, Hội đồng Giám mục đã tổ chức Ðại hội Dân Chúa và sau Ðại hội, đã ban hành Thư Chung với tựa đề Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống.
Loan báo Tin Mừng là sứ mệnh lớn nhất, nếu không nói là duy nhất của Giáo hội ở mọi nơi và mọi thời. Tuy nhiên ở mỗi nơi và mỗi thời, có những nội dung cần được nhấn mạnh hơn. Theo Ðức Giáo Hoàng Phanxicô, thời đại chúng ta đang sống mang nặng dấu ấn của sự vô cảm và những xung đột. Trong bối cảnh đó, cần “bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống”. Ðây chính là hướng đi của Giáo hội Việt Nam từ năm 2010 đến nay cũng như trong những năm sắp tới. Những chủ đề mục vụ về Giáo dục, Gia đình, Giới Trẻ… trong những năm qua đều được triển khai theo hướng đi này.
Sứ mệnh đó không của riêng ai nhưng là của mọi người mang danh Kitô hữu, vì thế chúng ta phải “cùng nhau” thực hiện. “Cùng nhau” ở đây cũng không chỉ giới hạn trong phạm vi người Công giáo nhưng còn mở ra, cộng tác với mọi người thiện chí trong xã hội để xây dựng và phát huy nền văn minh tình thương và sự sống.
Trong ảnh: Đức Giám mục Anphong Nguyễn Hữu Long thăm viếng giáo dân nghèo các dân tộc thiểu số tại vùng Tây Bắc
+ Hội đồng Giám mục Việt Nam trong kỳ họp mới nhất vào tháng 10.2019 đã đề ra Thư Chung, với định hướng mục vụ 3 năm (2020-2022) ưu tiên chăm lo cho người trẻ. Ðức cha nhận định ra sao về vai trò của thế hệ trẻ trong Giáo hội Công giáo ? Với tư cách là Tổng Thư ký HÐGMVN, xin Ðức cha chia sẻ những tâm tình, lời khuyên riêng dành cho các bạn trẻ ?
- Dĩ nhiên người trẻ là thành phần rất quan trọng trong đời sống Giáo hội, thế nhưng chăm sóc mục vụ cho người trẻ lại luôn là một thách đố lớn. Sau Thượng Hội đồng Giám mục về Giới Trẻ, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tông huấn Chúa Kitô đang sống (Christus vivit). Trong Tông huấn này, ngài đưa ra những khẳng định rất mạnh mẽ, ví dụ, “Người trẻ là chủ thể chứ không chỉ là đối tượng chăm sóc mục vụ”; “Người trẻ là hiện tại chứ không chỉ là tương lai”; “Mục vụ giới trẻ là phải đồng hành và lắng nghe hơn là dạy dỗ”.
Những khẳng định trên mời gọi chúng ta phải thay đổi thói quen, lề lối suy nghĩ và hành động từ trước đến nay trong mục vụ giới trẻ : Làm sao để tạo điều kiện cho người trẻ phát huy khả năng của họ nhiều hơn và chủ động hơn trong đời sống Giáo hội ? Làm thế nào để có thể tiếp cận người trẻ trong chính cuộc sống của họ ? Phải làm gì để có thể lắng nghe và đồng hành với người trẻ hơn là bắt họ phải lắng nghe những bài giáo lý dọn sẵn của mình ? Ðâu là những nẻo đường để đến với người trẻ trong thời đại ngày nay ? Tất cả đều là những thách đố cho Giáo hội trong mục vụ giới trẻ.
Người trẻ, hiện thân và tương lai của Giáo hội
Với các bạn trẻ, tôi chỉ muốn mời các bạn chiêm ngắm logo Năm Mục vụ Giới Trẻ (2020-2022). Logo này muốn họa lại câu chuyện 2 môn đệ trên đường Emmaus, có Chúa Giêsu cùng đi với họ nhưng họ không nhận ra Người (Luca 24, 13-35). Logo đó muốn nói với các bạn trẻ rằng :
(1) Chúa Giêsu luôn đồng hành với các bạn trên mọi nẻo đường đời, và Giáo hội của Ngài cũng thế; vấn đề là các bạn có muốn để Ngài cùng đi với mình không ? Vì thế, các bạn hãy đến với Chúa Giêsu nơi Lời của Ngài (Kinh Thánh), nơi Thánh Thể, nơi Giáo hội là Thân Thể của Chúa.
(2) Chúa Giêsu không phải là người dẫn đường dễ dãi, vì thế Ngài không chỉ cho các bạn con đường tìm kiếm hạnh phúc bằng cách chiếm hữu và hưởng thụ, nhưng Ngài mời các bạn bước đi trên đường thập giá với những hy sinh, vượt khó để làm chủ bản thân và sống theo những giá trị Tin Mừng. Nếu bạn can đảm cùng Ngài bước đi trên con đường ấy, chắc chắn đó sẽ là đường dẫn đến cuộc sống ngập tràn ánh sáng, chan chứa niềm vui và hạnh phúc vững bền.
(3) Cuối cùng, các bạn không chỉ là đối tượng để Giáo hội chăm sóc nhưng là chủ thể xây dựng Giáo hội. Vì thế, thay vì hỏi “Giáo hội đã làm gì cho tôi ?” thì hãy hỏi “Tôi đã làm gì cho Giáo hội ?”. Ước mong các bạn cống hiến nhiệt tình và tài năng của mình vào việc xây dựng Giáo hội. Tương lai Giáo hội như thế nào tùy thuộc phần lớn vào chính các bạn !
+ Chúng con xin cảm ơn Ðức cha !
Tác giả: Nguyễn Hùng Luân (thực hiện)
Nguồn tin: Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn