KINH MÂN CÔI TRONG NHỊP SỐNG ĐỨC TIN
Cùng với toàn thể Hội Thánh Việt Nam, chúng ta hôm nay mừng kính trọng thể lễ Đức Mẹ Mân Côi với tâm tình tri ân cảm tạ, vì bao nhiêu hồng ân Thiên Chúa qua Đức Mẹ Mân Côi tuôn tràn trên quê hương đất nước và Giáo Hội Việt Nam. Chúng ta thử ôn lại vài cột mốc chính trong cuộc hành trình lễ Đức Mẹ Mân Côi trong lịch sử Hội Thánh.
Sau cuộc chiến thắng quân Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ tại vịnh Lépante ngày 07.10.1571, nhờ ơn lạ đặc biệt của Đức Mẹ Rất Thánh Mân Côi, Đức Thánh Giáo Hoàng Piô V dạy rước kiệu trọng thể kính Đức Mẹ và thành lập lễ Mẹ Thắng Trận vào ngày mồng 7 tháng 10 để ghi ơn Đức Mẹ. Rồi sau đó, trên những chặng đường lịch sử của Giáo Hội, Đức Mẹ Mân Côi đã nhiều lần can thiệp và đỡ nâng con thuyền Giáo Hội vượt qua biết bao gian nan khốn khó. Khắp nơi trên toàn Giáo Hội đã dành cho Đức Mẹ Mân Côi niềm tôn kính mến yêu đặc biệt. Sau cùng, để Dân Chúa đem lòng tôn kính Mẹ các đặc biệt trong Phụng vụ chính thức của Hội Thánh, Đức Thánh Piô X ấn định mừng lễ Mẹ Mân Côi vào ngày mồng 7 tháng 10.
Chúng ta cùng lắng nghe lời giáo huấn đặc biệt về mầu nhiệm kinh Mân Côi của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Tông thư Rosarium Virginis Mariae :
“Kinh Mân Côi, dầu rõ ràng gắn liền với Đức Maria, chủ yếu là một lời kinh lấy Đức Kitô làm trung tâm. Qua vẻ giản dị của các yếu tố, lời kinh có được chiều sâu của toàn bộ sứ điệp Tin Mừng, mà ta có thể gọi là một bản tóm lược. Qua lời kinh ấy vang vọng lại lời kinh của Đức Maria, kinh Magnificat ca ngợi việc Nhập Thể cứu chuộc đã khởi sự trong cung lòng trinh khiết của Ngài. Với kinh Mân Côi, dân Kitô giáo theo học tại ngôi trường của Đức Maria và được dẫn đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp trên dung nhan của Đức Kitô và kinh nghiệm chiều sâu thẳm tình yêu của Người. Qua kinh Mân Côi các tín hữu lãnh nhận vô vàn ơn thiêng, hầu như qua chính đôi tay của Mẹ Đấng Cứu Thế.” (ĐGH Gioan-Phaolô II, Tông thư Rosarium Virginis Mariae, số 1)
Những tin mới hơn