LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 04 THƯỜNG NIÊN
31.01.2021
TIN MỪNG: Mc 1, 21-28
"Ngài giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
(Ðến thành Capharnaum) ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.
Ðang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: "Hỡi ông Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa". Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: "Hãy im đi và ra khỏi người này!" Thần ô uế liền dằn vặt người ấy, thét một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: "Cái gì vậy? Ðấy là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả thần ô uế và chúng vâng lệnh Người". Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa.
SUY NIỆM
CON NGƯỜI ĐẾN ĐỂ PHỤC VỤ
(Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)
Ở đời người ta thường đua nhau tìm kiếm danh vọng và quyền lực. Danh vọng càng cao, quyền lực càng mạnh, càng có lắm kẻ hầu người hạ, càng có tiền chất kho, chất lẫm. Vì tìm kiếm danh vọng và quyền lực, người ta sẵn sàng đối kháng với nhau, loại trừ lẫn nhau. Người ta sẵn sàng chà đạp lên nhau để leo lên đỉnh vinh quang. Vì danh vọng, quyền lực người ta sẵn sàng lao vào những cuộc chiến bất khoan dung. Lịch sử đã từng chứng mình điều đó. Hitler đã từng đẩy cả thế giới vào chiến tranh loạn lạc chỉ vì tìm kiếm quyền bính của ông. Polpot đã từng xây dựng quyền bính mình trên hàng triệu mạng người. Thực vậy, quyền lực làm cho nhân loại chia rẽ lẫn nhau. Quyền lực làm cho tình người tan rã. Quyền lực là nguyên nhân cho những đố kỵ, ghen tương và thù hận. Cho dù quyền lực làm cho nhân loại khổ đau nhưng người ta vẫn lao vào tranh giành lẫn nhau. Vì dầu sao đi nữa, quyền lực vẫn đem về cho họ rất nhiều mối lợi cả tinh thần lẫn vật chất.
Năm 1986, sau 20 năm cầm quyền tổng thống Philippines, ông Ferdinand Marcos đã trở về vui thú điền viên với gia tài kếch xù trị giá trên 10 tỷ mỹ kim. Đặc biệt là vợ ông chiếm hữu một lâu đài sang trọng với biết bao đồ vật quý giá như: 3,000 đôi giầy đủ màu đủ kiểu còn mới tinh, 100 chiếc ví da hạng sang đắt tiền, hoá đơn một chiếc áo dạ vũ trị giá 107,000 mỹ kim. Ở Việt Nam ngày nay cũng không thiếu những quan gia có những đồn điền cao su thì mênh mông, có những đồng ruộng thì vô tận, có tài khoản thì bao la và nhà cửa thì vào bậc sang trong nguy nga. Xem ra quyền lực không chỉ mang lại cho con người uy quyền mà còn mang lại cho họ vinh hoa phú quý ở đời này, khiến họ trở thành một giai cấp thượng lưu hơn hẳn đám dân đen thấp cổ bé miệng.
Chúa Giêsu đến để nối kết tình nhân loại. Ngài không tìm quyền bính và danh vọng. Ngài không chạy theo những toan tính vụ lợi cho bản thân. Ngài đển để phục vụ và hiến dâng mạng sống cho người mình yêu được sống và sống dồi dào. Chính đời sống khiêm nhu xoá bỏ địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, Ngài đã sống một cuộc đời phục vụ tha nhân một cách không mệt mỏi. Ngài đã phục vụ mọi người bất luận sang hèn, bất luận già trẻ. Ngài đã từng quỳ gối rửa chân cho các môn đệ. Ngài còn rửa chân cho cả Giu-đa kẻ sẽ bán ngài với giá 30 đồng bạc. Ngài đã sống một cuộc đời nghèo khó đến độ "sinh vô gia cư - chết vô địa táng".
Vâng, Chúa Giêsu, Ngài đã thi hành quyền bính của mình là đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Đối tượng được Ngài phục vụ là các bệnh nhân, là những người nam, người nữ đang bị thần ô uế thống trị, là những con người nghèo khổ, bất hạnh đang bị bỏ rơi bởi đời sống thiếu vắng tình người của đồng loại. Tình thương đó đã được thể hiện trên người bệnh nhân bị thần ô uế thâm nhập mà đoạn tin mừng thánh Marco tường thuật lại. Ma quỷ cũng nhìn nhận quyền bính của Ngài nên đã thốt lên: "Ngài là Đấng Thánh của Thiên Chúa". Người đồng hương cũng nhìn nhận Ngài có đầy uy quyền trên môi miệng và nhân cách của Ngài. Họ đã khâm phục ngài vì "giáo lý thì mới mẻ, và người dạy lại có uy quyền".
Người Kitô hữu cũng được tham dự vào vương quyền của Chúa Giêsu qua bí tích Rửa tội. Người Kitô hữu cũng được mời gọi dùng tình yêu để hoán cải lòng người, để hàn gắn những hố sâu ngăn cách của giầu nghèo, của địa vị sang hèn. Dùng tình yêu để phục vụ anh em, để dấn thân quên mình vì hạnh phúc của tha nhân. Sự hiện diện của người Kitô hữu phải là những ngọn nến sáng chịu hao mòn để mang lại niềm vui và hạnh phúc cho cuộc đời. Người Kitô hữu phải là những hạt lúa chịu nghiền nát để dâng hiến cho đời những hương thơm của phục vụ, của bác ái và vị tha. Người Kitô hữu được mời gọi theo gương Thầy Giêsu biết dùng quyền để phục vụ, biết dùng tình yêu để hàn gắn những thương đau của chia rẽ và hận thù, biết lấy đức ái để sống vì lợi ích của tha nhân.
Nguyện xin Chúa Giêsu là Đấng đến để phục vụ, ban cho chúng ta tinh thần xả kỷ hy sinh, biết sống cho tha nhân và vì tha nhân hơn là vun quén cho bản thân. Nguyện xin Chúa là Đấng đến để chữa lành tâm hồn và thể xác con người, xin cũng chữa lành tâm hồn chúng ta khỏi những ràng buộc của tội lỗi, của đam mê nhục dục để biết sống cao đẹp giữa mọi người. Amen.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn