ĐGH Bênêdictô XVI, 36 Thánh Tiến Sĩ – Tái bản (Tp. HCM: Nxb Đông Phương, 2020, tr. 20-27)
Đây là vị Giáo phụ Đông phương lỗi lạc và là thánh tiến sĩ vĩ đại trong toàn thể Giáo hội. Đức Bênêđictô XVI dành buổi tiếp kiến chung ngày 20 tháng 06 năm 2007 để giới thiệu khái quát cuộc đời và giáo huấn của thánh nhân. Ngài là một trong những khuôn mặt tiêu biểu mạnh mẽ chống phe Ariô, bảo vệ thiên tính của Ngôi Con: “Ngôi Lời đồng bản thể với Chúa Cha và đích thực là Thiên Chúa”.
*****
Khi tìm hiểu về các bậc thầy vĩ đại trong Giáo hội ở những thế kỷ đầu, chúng ta hãy chú ý đến thánh Athanasiô thành Alêxandria. Chỉ vài năm sau khi qua đời, nhà hộ giáo đầy thế giá này đã được thánh Grêgôriô Nazianzô ca ngợi là “cột trụ của Giáo hội”.[1] Thánh nhân luôn được xem là mẫu mực cho cả Giáo hội Đông phương lẫn Tây phương.
Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà nghệ sĩ Gian Lorenzo Bernini đã đặt bức tượng thánh Athanasiô vào trong số bốn vị tiến sĩ thánh thiện của các Giáo hội Đông phương và Tây phương (cùng với ba bức tượng khác là thánh Ambrôsiô, Gioan Kim Khẩu, Augustinô) quanh ngai tòa Phêrô, trên gian cung thánh của Đền thờ Vatican.
Athanasiô rõ ràng là một trong những vị Giáo phụ tiên khởi được tôn kính nhiều nhất. Thánh nhân là nhà thần học nổi bật, bàn nhiều về mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng mà phần Tự ngôn của Tin Mừng thứ tư diễn tả “đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14).
Chính vì lý do này, thánh Athanasiô cũng được xem là nhân vật quan trọng và kiên cường trong việc chống lại bè rối Ariô, một thế lực thời đó đe dọa niềm tin vào thiên tính của Đức Kitô. Ariô cho rằng Đức Kitô chỉ là “một thụ tạo trung gian” giữa Thiên Chúa và con người.
Anh chị em thân mến! Chúng ta nhận thấy, thời đại ngày nay đang có khuynh hướng muốn trở lại tư tưởng lầm lạc của Ariô xưa kia dưới nhiều hình thức khác nhau, khi nhiều người không còn tin Đức Giêsu Kitô chính là Thiên Chúa.
Rất có thể thánh Athanasiô đã được sinh ra ở Alêxandria, Ai Cập, vào khoảng năm 300. Ngài được hấp thụ một nền giáo dục tốt trước khi trở thành phó tế và thư ký cho đức giám mục Alêxandria, một thủ phủ lớn của Ai Cập. Vị giáo sĩ trẻ đã tham dự Công đồng Nixêa, Công đồng hoàn vũ đầu tiên do hoàng đế Constantino triệu tập vào tháng 05 năm 325, nhằm mục đích củng cố sự hiệp nhất trong Giáo hội.
Các Giáo phụ Công đồng Nixêa đã tập trung bàn thảo nhiều vấn đề khác nhau, trong số đó, trước tiên phải kể đến một vấn đề nghiêm trọng nảy sinh từ bài giảng của linh mục Ariô ở Alêxandria. Ariô đã có những tư tưởng trái ngược với đạo lý đích thực về Đức Kitô, khi tuyên bố rằng, Logos (Ngôi Lời) không phải là Thiên Chúa, nhưng chỉ là một thụ tạo của Thiên Chúa, một thụ tạo “trung gian” giữa Thiên Chúa và con người, do đó chúng ta khó có thể nắm bắt. Các giám mục ở Công đồng Nixêa trả lời bằng việc phát triển và thiết lập các “Tín biểu đức tin” [Kinh Tin Kính], và sau này được hoàn thành ở Công đồng Constantinopoli I. Tín biểu này vẫn còn được duy trì trong truyền thống của các Giáo hội Kitô khác nhau, và trong Phụng vụ, nó là Kinh Tin Kính Nixêa-Constantinopoli.
Tín biểu nền tảng này diễn tả đức tin của một Giáo hội hiệp nhất, và cũng là bản văn mà ngày nay chúng ta đọc vào mỗi Chúa nhật trong Thánh lễ – hạn từ Hy Lạp homo-ousios được chuyển dịch sang tiếng La Tinh là consubstantialis, có nghĩa: Ngôi Lời “đồng bản thể” với Chúa Cha. Ngôi Lời là Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật. Do vậy, thiên tính trọn vẹn của Ngôi Lời, mà phe Ariô đã chối bỏ, nay được các Giáo phụ Công đồng Nêxia khẳng định và làm nổi bật lên.
Năm 328, giám mục Alêxander qua đời, Athanasiô kế nhiệm, giữ chức giám mục thành Alêxandria. Ngay lập tức, thánh nhân tỏ ra kiên quyết từ chối bất kỳ thỏa hiệp nào liên quan đến những lý thuyết của phái Ariô, vốn đã bị Công đồng Nixêa lên án. Thái độ cương quyết đối chọi với những kẻ chống phá công tác mục vụ của ngài và những kẻ chống lại quan điểm của Công đồng Nixêa, đã khiến cho bè phái Ariô vô cùng tức giận và tìm cách hãm hại thánh Athanasiô.
Mặc dầu Công đồng Nixêa đã xác quyết rõ ràng rằng, Ngôi Lời đồng bản thể với Chúa Cha, nhưng ít lâu sau đó, những tư tưởng trái nghịch lại nổi lên và lan rộng – điều thậm tệ hơn nữa, trong bối cảnh ấy, Ariô được phục chức – phe lạc giáo được hoàng đế Constantino ủng hộ vì những lý do chính trị, và sau này con trai của hoàng đế, tức Constantino II, cũng đi theo đường lối của phụ vương.
Thêm nữa, hoàng đế Constantino không bận tâm nhiều đến những chân lý thần học. Điều ông mong muốn chỉ là thống nhất đế quốc cùng với những vấn đề chính trị quốc gia; ông muốn chính trị hóa niềm tin tôn giáo, dùng niềm tin như một phương tiện để những ý tưởng của ông dễ dàng được đón nhận trên toàn Đế quốc.
Do đó, mối đe dọa của bè rối Ariô, mà nhiều người cho rằng đã được giải quyết ở Công đồng Nixêa, vẫn còn căng thẳng trong nhiều thập niên, với những biến cố phức tạp và những chia rẽ đau đớn trong Giáo hội. Ít nhất có năm lần – trong vòng ba thập niên, từ năm 336 đến năm 366 – giám mục Athanasiô đã bị cưỡng bách phải rời bỏ thành Alêxandria, trải qua mười bảy năm trường lưu đày và thử thách vì đức tin.
Nhưng trong suốt thời gian lưu đày gian khổ ấy, nhờ lòng tin mạnh mẽ, Athanasiô đã duy trì và truyền bá sang Tây phương (đầu tiên là ở Trier và sau đó ở Rôma) các nội dung của tín biểu Nixêa và lý tưởng đời đan tu, vốn đã được thánh Antôn, vị ẩn tu vĩ đại áp dụng bên Ai Cập. Thánh Antôn, một người có tinh thần mạnh mẽ, luôn là mẫu gương quan trọng nhất cho đời sống của Athanasiô. Ngay khi được phục chức, vị giám mục thành Alêxandria đã nỗ lực ổn định đời sống tôn giáo và tái tổ chức các cộng đoàn Kitô hữu. Thánh nhân qua đời ngày 02 tháng 05 năm 373, và chúng ta vẫn cử hành lễ nhớ ngài vào ngày này.
Tác phẩm đạo lý danh tiếng nhất của thánh giám mục thành Alêxandria là khảo luận về “Mầu Nhiệm Nhập Thể” (De Incarnatione): Ngôi Lời của Thiên Chúa Đấng đã mặc lấy xác phàm, trở nên một người như chúng ta, để cứu độ chúng ta.
Trong tác phẩm này, Athanasiô đưa ra một khẳng định rất nổi tiếng: “Thiên Chúa đã làm người, để con người được trở thành Thiên Chúa. Ngôi Lời đã tự tỏ lộ chính mình qua thân xác, để chúng ta có thể tiếp nhận ý niệm về Chúa Cha vô hình; và Ngôi Lời Thiên Chúa đã cam chịu sự xúc phạm của loài người, để chúng ta được thừa hưởng ơn bất tử”.[2] Thật vậy, với sự phục sinh vinh hiển, Chúa Kitô đã diệt trừ cái chết ra khỏi chúng ta, giống như “đốt cháy một cọng rơm trong lửa” vậy.[3]
Ý niệm nền tảng trong toàn bộ cuộc tranh luận thần học của thánh Athanasiô là vấn đề con người có thể vươn tới Thiên Chúa. Đức Kitô không phải là một “Thiên Chúa thứ cấp”. Đức Kitô đích thực là Thiên Chúa, và vì thế, nhờ hiệp thông với Đức Kitô, chúng ta thực sự được kết hiệp với Thiên Chúa. Ngôi Lời đã trở thành một “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
Trong số những tác phẩm của vị Giáo phụ vĩ đại này – phần lớn liên quan đến các cuộc tranh luận với phái Ariô – chúng ta hãy ghi nhớ bốn lá thư thánh nhân gửi cho bạn hữu của mình, là Serapion, giám mục Thmuis, nói về thiên tính của Chúa Thánh Thần, điều mà Athanasiô xác tín rõ ràng. Chúng ta cũng hãy nhớ đến khoảng ba mươi lá thư về “các kỳ đại lễ”, gửi đến các cộng đoàn Giáo hội và các đan viện ở Ai Cập đầu mỗi năm, để thông báo về ngày cử hành lễ Phục Sinh, nhưng đặc biệt hơn, để bảo đảm sự gắn bó, liên kết giữa các Kitô hữu, củng cố đức tin và giúp họ chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại này.
Chúng ta hãy nhớ đến những bài suy gẫm Thánh vịnh của thánh Athanasiô, sau này được lưu hành khắp nơi. Quan trọng hơn, hãy nhớ một tác phẩm được bán chạy nhất của văn chương Kitô giáo thời kỳ đầu với nhan đề “Cuộc Đời Thánh Antôn”, kể về tiểu sử thánh Antôn, viện phụ. Tác phẩm được viết ít lâu sau khi thánh Antôn qua đời, trong khoảng thời gian giám mục Athanasiô bị lưu đày, ở với các đan sĩ trong sa mạc Ai Cập.
Athanasiô được xem là bạn thân của thánh Antôn. Ngài đã đón nhận một trong hai chiếc áo lông cừu là gia tài mà vị ẩn sĩ để lại, cùng với chiếc khăn choàng cổ mà trước đây chính vị giám mục Alêxandria đã trao tặng cho nhà ẩn sĩ.
Cuốn tiểu sử về vị ẩn tu này đã nhanh chóng phổ biến trong truyền thống Kitô giáo, gần như ngay lập tức được chuyển sang tiếng La Tinh, với hai lần tái bản, và sau đó được dịch qua những ngôn ngữ Đông phương khác nhau; tác phẩm góp phần quan trọng vào quá trình truyền bá đời đan tu ở Đông phương cũng như Tây phương. Không phải ngẫu nhiên mà việc giải thích tác phẩm này, ở Trier, lại trở thành tâm điểm của câu chuyện về cuộc hoán cải của hai viên chức đế quốc, những người mà thánh Augustinô đã nhắc đến trong tác phẩm “Tự Thuật”,[4] như là đề tựa cho cuộc hoán cải của chính ngài.
Hơn nữa, thánh Athanasiô còn tỏ ra ý thức rất rõ về tầm ảnh hưởng mà gương sáng của thánh Antôn có thể tác động trên các tín hữu. Thật vậy, ngài đã viết ở phần cuối của tác phẩm này: “Danh tiếng của thánh Antôn được ca ngợi khắp nơi. Mọi người ngưỡng mộ, tôn kính thánh nhân, dù rằng họ chưa bao giờ được diện kiến thánh nhân. Đó là dấu chứng tỏ tường cho thấy một đời sống đức hạnh nơi thánh Antôn và cho thấy tình yêu của Thiên Chúa đối với thánh Antôn. Không phải nhờ những bài viết, nhờ sự khôn ngoan sâu rộng, hay bất kỳ tài nghệ nào mà thánh Antôn được nhiều người biết đến, nhưng chính nhờ tấm lòng kính mến Thiên Chúa nơi thánh nhân. Đây là ân huệ Thiên Chúa ban cho thánh Antôn mà không một ai có thể phủ nhận.
Làm sao mọi người ở bất cứ nơi đâu, Tây Ban Nha hay xứ Gaul, Rôma hay Phi châu, lại nghe biết về nhà khổ hạnh sống ẩn dật trên núi, nếu không phải là bàn tay vĩ đại của Thiên Chúa, Đấng đã làm cho thánh Antôn được biết đến ở khắp nơi? Phải chăng ngay từ lúc khởi đầu, Thiên Chúa đã hứa ban cho thánh nhân ân huệ lớn lao này? Dù các ẩn sĩ âm thầm lao động, rút vào nơi cô tịch, xa lánh thế gian, nhưng Thiên Chúa vẫn cho thấy rằng, họ là những ngọn đèn cháy sáng, soi chiếu cho tất cả mọi người; và những ai nghe biết điều đó thì đều nhận thấy, huấn lệnh của Chúa có thể làm cho con người hoan hỷ, do đó hãy nhiệt thành trên đường nhân đức”.[5]
Vâng, thưa anh chị em! Chúng ta có nhiều lý do để tri ân thánh Athanasiô. Cuộc đời của ngài, cũng như cuộc đời của thánh Antôn và biết bao vị thánh khác, tỏ cho chúng ta biết: “Những ai thực sự đến với Thiên Chúa thì không bao giờ xa cách con người, nhưng trái lại, họ trở nên gần gũi với hết thảy mọi người”.[6]
https://catechesis.net/
———————–
[1] Grêgôriô Nazianzô, Orationes, 21, 26.
[2] Athanasiô, De Incarnatione, 54, 3.
[3] Ibid., 8, 4.
[4] Augustinô, Tự Thuật, VIII, 6, 15.
[5] Athanasiô, Cuộc đời thánh Antôn, 93, 5-6.
[6] Bênêđictô XVI, Deus caritas est, 42.