Học hỏi Phúc âm Chúa Nhật 6 Mùa Phục Sinh Năm A

Chủ nhật - 14/05/2023 20:35
  •  
  •  HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 6 MÙA PHỤC SINH NĂM A
LM Antôn Nguyễn Cao Siêu SJ
 
LỜI CHÚA
Phúc Âm: Ga 14, 15-21
"Thầy sẽ xin Cha và Người sẽ ban cho các con một Ðấng Phù Trợ khác".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy. Và Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Ðấng Phù Trợ khác, để Ngài ở với các con luôn mãi. Ngài là Thần Chân Lý mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết được Ngài; còn các con, các con biết Ngài, vì Ngài sẽ ở nơi các con và ở trong các con. Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con. Một ít nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần các con, các con thấy Thầy vì Thầy sống và các con cũng sẽ sống. Trong ngày đó, các con sẽ hiểu biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, và các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Ai nhận các luật Thầy truyền và giữ các luật đó, thì người ấy là kẻ mến Thầy. Và ai mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy sẽ yêu nó, và sẽ tỏ mình ra cho nó".
Ðó là lời Chúa.


CÂU HỎI TÌM HIỂU
1. Đức Giêsu nói những lời trong bài Tin Mừng này khi nào? ở đâu? với ai?
2. Bài Tin Mừng này nằm trong bài giảng dài nào của Đức Giêsu? Mục đích của bài giảng dài này là gì?
3. Đọc Ga 14,15-24. Hãy tìm những câu cho thấy: “ai yêu mến Thầy Giêsu thì tuân giữ lời của Thầy.” Vậy yêu mến Thầy Giêsu có phải là một cảm xúc hay một tình cảm suông không?
4. Đọc Ga 14,16. Bạn có thấy Ba Ngôi Thiên Chúa trong câu này không? Qua câu này bạn có thấy Ba Ngôi dành tình thương cho các môn đệ không? Đấng Bảo Trợ đầu tiên là ai? Đọc 1 Ga 2,1.
5. Tìm ba giới từ trong Ga 14,16-17 được dùng để diễn tả việc Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ ở lại với các môn đệ.
6. Đọc Ga 14,18. Đức Giêsu không để các môn đệ mồ côi bằng cách nào? Đức Giêsu đến với các môn đệ khi nào?
7. Đọc Ga 14,20. Ngày đó là ngày nào? Tại sao ngày đó lại làm chúng ta nhận biết tương quan giữa Đức Giêsu với Chúa Cha và tương quan giữa chúng ta với Đức Giêsu?
8. Đọc Ga 14,21. Đức Giêsu có nói câu này với từng người tín hữu hôm nay không? Khi giữ các điều răn của Đức Giêsu, tôi được gì?


GỢI Ý SUY NIỆM
Đọc Ga 14,15-23. Hãy suy nghĩ về sự hiện diện của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong đời sống của một kitô hữu. Bạn có thấy đời sống mới của người kitô hữu là đời sống ở lại trong Ba Ngôi không?

PHẦN TRẢ LỜI
1. Dựa theo Tin Mừng Thứ Tư, Đức Giêsu nói những lời ở Ga 14,15-21 với các môn đệ, sau khi Ngài rửa chân cho các ông (Ga 13) trong căn phòng dùng để ăn lễ Vượt Qua, trước khi Ngài bước vào cuộc Khổ Nạn. Đây được coi như những lời tạ từ của Đức Giêsu cho các môn đệ khi biết mình sắp về với Cha.

2. Bài Tin Mừng hôm nay (Ga 14,15-21) nằm trong bài giảng dài của Đức Giêsu sau khi rửa chân cho các môn đệ (Ga 13,31 – 16,33). Bài giảng dài này là những lời cuối, lời trối lại của Đức Giêsu trước khi về với Chúa Cha qua cái chết trên thập giá. Bài Giảng dài này có nhiều mục đích: báo cho các môn đệ biết Ngài sắp đi về với Cha để họ khỏi xao xuyến, nhưng rồi Ngài sẽ trở lại; báo cho họ về Đấng Bảo Trợ sắp được sai đến để giúp họ; nhắc nhở họ phải yêu thương nhau và phải gắn bó với Thầy như cành nho với cây nho, và cuối cùng về những thử thách sắp xảy đến cho họ. Nói chung, qua Bài Giảng dài này, Đức Giêsu muốn gửi gắm những điều tâm huyết của một vị Thầy khi phải chia tay các môn sinh yêu quý.

3. Ý tưởng “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy” được nhắc lại ba lần trong đoạn Tin Mừng hôm nay.
Ga 14,15 “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy.”
Ga 14,21 “Ai có các điều răn của Thầy và giữ chúng, kẻ ấy là người yêu mến Thầy.”
Ga 14,23-24 “Nếu ai yêu mến Thầy, người ấy sẽ giữ lời của Thầy… Kẻ không yêu mến Thầy thì không giữ các lời của Thầy…”
Yêu mến Thầy đòi phải giữ lời hay giữ điều răn của Thầy. Ngược lại, giữ các điều răn của Thầy là dấu chỉ của lòng yêu mến Thầy. Như vậy yêu mến ở đây không phải là một cảm xúc hay tình cảm suông mà là một thái độ được diễn tả trong cuộc sống, qua những hành động cụ thể. Giữ lời hay giữ điều răn của Thầy đòi hỏi nhiều hy sinh từ bỏ. Chính Thầy Giêsu đã làm gương cho chúng ta, chính Thầy đã giữ điều răn của Cha Thầy (Ga 15,10) và làm như Cha đã truyền lệnh cho Thầy (Ga 14,31). Vì vâng phục lệnh truyền của Cha mà Đức Giêsu đã đón nhận cái chết.

4. Trong Ga 14,16 ta thấy nhắc đến sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần. Thánh Thần ở đây được gọi là Đấng Bảo Trợ khác (Paraklêtos, xem Ga 14,26) để phân biệt với Đức Giêsu được coi là Đấng Bảo Trợ đầu tiên (1 Ga 2,1). Chúa Thánh Thần (= Đấng Bảo Trợ) là quà tặng của Chúa Cha cho các môn đệ, qua lời cầu xin của Chúa Con. Như thế chúng ta thấy rõ tình yêu của Chúa Cha đối với loài người. Cha đã ban Người Con Một của Cha cho thế gian (Ga 3,16). Khi Người Con ấy về với Cha sau khi đã hoàn thành sứ mạng cứu độ, Cha lại ban Thánh Thần, một Đấng Bảo Trợ mới, cho nhân loại (Ga 14,16). Nói chung, cả Ba Ngôi Thiên Chúa đều yêu thương, và đều hướng đến loài người, cùng nhau cộng tác trong một chương trình cứu độ nhân loại.

5. Sự hiện diện của Đấng Bảo Trợ được mô tả trong Ga 14,16-17. “Đấng Bảo Trợ sẽ ở với (meta) anh em mãi mãi” (Ga 14,16). Trong Ga 14,17 Đấng Bảo Trợ còn được gọi là Thần Khí sự thật. Thần Khí này “ở bên (para) anh em và sẽ ở trong (en) anh em” (Ga 14,17). Ba giới từ khác nhau này: ở với, ở bên, và ở trong cho thấy tương quan khăng khít giữa Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần với các người tín hữu. Tương quan này cũng khăng khít như tương quan giữa Đức Giêsu với các môn đệ: “anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em” (Ga 14,20). Như thế, người kitô hữu luôn có sự đỡ nâng của hai Đấng Bảo Trợ là Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần. Cả hai Đấng ấy ở trong người kitô hữu.

6. Đức Giêsu không để các môn đệ mồ côi khi Ngài bỏ họ mà về với Cha, vì Ngài đã xin Cha sai đến cho họ một Đấng Bảo Trợ khác để ở với, ở bên, và ở trong họ. Nhiều lần Ngài nói: Ngài “đến với anh em” (Ga 14,18). Quả thực Ngài đã “đến” với họ vào ngày Ngài được phục sinh (Ga 20,19.26), ngày “anh em sẽ được thấy Thầy” trong tư cách Đấng đang sống (Ga 14,19).

7. “Ngày đó” (Ga 14,20) chính là ngày Đức Giêsu được phục sinh. Khi Đức Giêsu được Chúa Cha phục sinh, một biến cố chưa từng bao giờ xảy ra, các môn đệ thấy rõ Thầy mình là người gắn bó đặc biệt với Chúa Cha và ở trong Chúa Cha. Đồng thời họ cũng biết rằng, từ nay họ sẽ gắn bó đặc biệt với vị Thầy này: họ sẽ sống bằng sự sống mới của Thầy (Ga 14,19; x. Gl 2,20). Thầy và trò sẽ ở trong nhau (Ga 14,20).

8. Câu Ga 14,21 có thể được coi là câu Đức Giêsu nói với từng người chúng ta hôm nay. Ngài khuyên chúng ta giữ các điều răn của Ngài, đó là điều răn yêu thương nhau như sẽ thấy trong Ga 15,12. Giữ điều răn yêu thương nhau là cách diễn tả tình yêu đối với chính Đức Giêsu. Lập tức một tương quan tam giác xuất hiện: Cha Thầy sẽ yêu mến người nào yêu mến Thầy. Và chính Thầy sẽ yêu mến người ấy và tỏ mình cho người ấy. Như vậy, đời sống thiêng liêng bắt đầu bằng yêu thương và kết thúc bằng yêu thương.
https://www.hdgmvietnam.com/
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thời biểu Phụng vụ Giáo xứ
  THÁNH LỄ
   • Ngày thường
   Sáng : 05:00
   Chiều : 17:30
   • Chúa Nhật
   Chiều Thứ Bảy : 17:30
   Lễ 1 : 05:00
   Lễ 2 : 07:00
   Lễ 3 : 08:30
   Lễ 4 : 17:30

  • CHẦU THÁNH THỂ
   Chúa Nhật : 16:30
   Thứ Năm đầu tháng :
   16:30

  • GIẢI TỘI
   Trước và sau các lễ ngày      thường
  • RỬA TỘI TRẺ EM

   Chúa Nhật đầu tháng : 
     10:00

 
Ý Cầu Nguyện Tháng Sáu
• Ý cầu nguyện: Cầu nguyện cho những người phải rời bỏ quê hương
Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người nhập cư, những người trốn chạy các cuộc chiến tranh hay sự nghèo đói, phải đối diện với những chuyến đi đầy nguy hiểm và bạo lực, có thể tìm thấy lòng hiếu khách cũng như những cơ hội mới về đời sống trong các nước đón nhận.
DGM. MATTHEN NGUYEN VAN KHOI
  ĐGM. MATTHÊÔ NGUYỄN VĂN KHÔI
Lịch Công Giáo Giáo Phận
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi