Số 671-672: Chúng tôi chờ đợi mọi sự quy phục Đức Kitô Số 988-991: Người công chính sẽ sống muôn đời với Đức Kitô phục sinh Số 1036, 2612: Tỉnh thức chờ sự trở lại của Chúa |
Số 671-672: Chúng tôi chờ đợi mọi sự quy phục Đức Kitô
671. Tuy nhiên, Nước Đức Kitô, đang hiện diện trong Hội Thánh của Người, chưa phải là tuyệt đối với “quyền năng và vinh quang” (Lc 21,27)[1] do việc Vua ngự đến trần gian. Nước này còn bị các thế lực sự dữ tấn công[2], mặc dù chúng đã bị đánh bại tận gốc rễ do cuộc Vượt Qua của Đức Kitô. Cho tới khi mọi sự quy phục Người[3], “cho tới khi có trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị, Hội Thánh lữ hành, trong các bí tích và các định chế của mình, vốn là những điều thuộc thời đại nay, vẫn mang hình dáng của thời đại chóng qua này và chính Hội Thánh đang sống giữa các thụ tạo còn đang rên siết và quằn quại như sắp sinh nở và mong đợi cuộc tỏ hiện của các con cái Thiên Chúa”[4]. Vì vậy, các Kitô hữu cầu nguyện, nhất là trong bí tích Thánh Thể[5], để Đức Kitô mau lại đến[6], bằng cách thưa với Người: “Lạy Chúa, xin ngự đến !” (Kh 22,20)[7].
672. Đức Kitô, trước cuộc Thăng Thiên của Người, đã khẳng định rằng chưa đến giờ Người thiết lập Nước của Đấng Messia một cách vinh hiển mà Israel mong đợi[8], Nước đó phải mang lại cho mọi người, theo lời các tiên tri[9], một trật tự vĩnh viễn của công lý, của tình yêu, và của hoà bình. Thời gian hiện tại, theo Chúa, là thời gian của Thần Khí và của việc làm chứng[10], nhưng cũng là thời gian được ghi dấu bằng nỗi khó khăn hiện tại[11] và bằng sự thử thách của sự dữ[12], thời gian này không buông tha Hội Thánh[13], và khởi đầu cuộc chiến của những ngày sau cùng[14]. Đây là thời gian của sự mong đợi và tỉnh thức[15].
Số 988-991: Người công chính sẽ sống muôn đời với Đức Kitô phục sinh
988. Tín biểu của Kitô giáo – là Bản tuyên xưng đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và vào hành động tạo dựng, cứu độ và thánh hoá của Ngài – được kết thúc với lời tuyên xưng về sự sống lại của những người chết, vào lúc cùng tận thời gian, và về sự sống vĩnh cửu.
989. Chúng ta tin một cách chắc chắn và hy vọng một cách chính xác rằng: cũng như Đức Kitô đã thật sự sống lại từ cõi chết và sống muôn đời, thì cũng vậy, những người công chính sau cái chết của mình sẽ sống muôn đời với Đức Kitô phục sinh, Đấng sẽ làm cho họ sống lại vào ngày sau hết[16]. Sự sống lại của chúng ta, cũng như sự sống lại của Người, sẽ là công trình của Ba Ngôi Chí Thánh:
“Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Ngài đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8,11)[17].
990. Từ “thân xác” được dùng ở đây để chỉ con người trong thân phận yếu đuối và phải chết của nó[18]. “Xác sống lại” có nghĩa là sau khi chết, không những linh hồn bất tử được có sự sống, mà cả “thân xác phải chết” (Rm 8,11) của chúng ta cũng sẽ được đảm nhận lại sự sống.
991. Tin sự sống lại của những người chết là một yếu tố căn bản của đức tin Kitô giáo ngay từ hồi đầu. “Niềm tin của các Kitô hữu, sự sống lại của những người chết. Chúng tôi tin điều đó”[19]:
“Sao trong anh em có người lại nói: không có chuyện kẻ chết sống lại? Nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Kitô đã không sống lại! Mà nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng…. Nhưng không phải thế! Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1 Cr 15,12-14.20).
Số 1036, 2612: Tỉnh thức chờ sự trở lại của Chúa
1036. Những khẳng định của Thánh Kinh và đạo lý của Hội Thánh về hỏa ngục là lời kêu gọi lãnh trách nhiệm qua đó con người phải sử dụng sự tự do của mình liên quan đến số phận muôn đời của mình. Đồng thời là lời kêu gọi khẩn thiết phải hối cải: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó; còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7,13-14):
“Vì chúng ta không biết ngày và giờ, nên theo lời Chúa dạy, chúng ta luôn phải tỉnh thức, để, khi dòng đời độc nhất của sự sống trần thế của chúng ta chấm dứt, chúng ta xứng đáng vào dự tiệc cưới với Người và được liệt kê vào số người được chúc phúc (x. Mt 25,31-46), kẻo cũng như những tôi tớ xấu xa và lười biếng (x. Mt 25,26) chúng ta được lệnh phải vào lửa muôn đời (x. Mt 25,41), vào chốn tối tăm bên ngoài, nơi khóc lóc và nghiến răng”[20].
2612. Nơi Chúa Giêsu, “triều đại Thiên Chúa đã đến gần” (Mc 1,15), Người kêu gọi con người hối cải, tin tưởng và tỉnh thức nữa. Khi cầu nguyện, người môn đệ chăm chú hướng về Đấng hiện có và đang đến, vừa tưởng nhớ việc Người đến lần thứ nhất trong xác phàm khiêm hạ, vừa hy vọng Người đến lần thứ hai trong vinh quang[21]. Đối với các môn đệ, cầu nguyện là một cuộc chiến đấu trong sự hiệp thông với Thầy mình, và chính nhờ tỉnh thức trong cầu nguyện mà ta không sa chước cám dỗ[22].
https://www.hdgmvietnam.com/
[1] X. Mt 25,31.
[2] X. 2 Tx 2,7.
[3] X. 1 Cr 15,28.
[4] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 48: AAS 57 (1965) 53.
[5] X. 1 Cr 11,26.
[6] X. 2 Pr 3,11-12.
[7] X. 1 Cr 16,22; Kh 22,17.
[8] X. Cv 1,6-7.
[9] X. Is 11,1-9.
[10] X. Cv 1,8.
[11] X. 1 Cr 7,26.
[12] X. Ep 5,16.
[13] X. 1 Pr 4,17.
[14] X. 1 Ga 2,18; 4,3; 1 Tm 4,1.
[15] X. Mt 25,1-13; Mc 13,33-37.
[16] X. Ga 6,39-40.
[17] X. 1 Tx 4,14; 1 Cr 6,14; 2 Cr 4,14; Pl 3,10-11.
[18] X. St 6,3; Tv 56,5; Is 40,6.
[19] Tertullianô, De resurrectione mortuorum 1, 1: CCL 2, 921 (PL 2, 841).
[20] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 48: AAS 57 (1965) 54.
[21] X. Mc 13; Lc 21,34-36.
[22] X. Lc 22,40.46.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn