Giáo lý cho bài giảng Chúa Nhật 23 Thường Niên năm A

Thứ sáu - 08/09/2023 23:00

 

GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG
CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN NĂM A

 
(Theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích)
 
Số 2055: Mười Điều Răn tóm lại trong một giới răn là yêu thương
Số 1443-1445: Việc giao hoà với Hội Thánh
Số 2842-2845: "Như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con"


Số 2055: Mười Điều Răn tóm lại trong một giới răn là yêu thương

2055. Khi người ta đặt cho Người câu hỏi: “Điều răn nào là điều răn trọng nhất?” (Mt 22,36), Chúa Giêsu đáp: “Ngươi phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi: đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Lề Luật và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22,37-40)[1]. Mười Điều Răn phải được giải thích dưới ánh sáng của điều răn, tuy hai nhưng là một, là đức mến, đó là sự viên mãn của Lề Luật:
“Các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại, yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy” (Rm 13, 9-10).
1443. Trong đời sống công khai của Người, Chúa Giêsu không những đã tha tội, mà còn biểu lộ hiệu quả của việc tha tội này: Người đã đưa các tội nhân được tha thứ về lại với cộng đoàn dân Thiên Chúa, cộng đoàn mà tội lỗi đã khiến họ phải xa lìa, hay thậm chí khiến họ bị loại trừ. Một dấu chỉ tỏ tường của việc này là, Chúa Giêsu đã đón nhận các tội nhân vào bàn tiệc của Người, hơn nữa, chính Người ngồi đồng bàn với họ, cử chỉ này, một cách hùng hồn, vừa diễn tả ơn tha thứ của Thiên Chúa[2] và đồng thời, vừa nói lên sự trở về giữa lòng dân Thiên Chúa[3].

1444. Khi Chúa ban cho các Tông Đồ được tham dự vào quyền riêng của Người là quyền tha tội, Người cũng ban cho họ quyền giao hoà các tội nhân với Hội Thánh. Chiều kích giáo hội của nhiệm vụ này của các Tông Đồ được diễn tả cách đặc biệt trong những lời long trọng Đức Kitô nói với ông Phêrô: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16,19). “Nhiệm vụ cầm buộc và tháo cởi, đã được ban cho thánh Phêrô, cũng được ban cho tập thể các Tông Đồ, kết hợp với vị thủ lãnh của mình (x. Mt 18,18; 28,16-20)”[4].

1445. Các thuật ngữ cầm buộc  tháo cởi có nghĩa là: ai bị anh em loại ra khỏi sự hiệp thông với anh em, thì người ấy cũng bị loại ra khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa; ai được anh em đón nhận lại vào sự hiệp thông với anh em, thì Thiên Chúa cũng đón nhận lại người ấy vào sự hiệp thông với Ngài. Việc giao hoà với Hội Thánh không thể tách biệt khỏi sự giao hoà với Thiên Chúa.


Số 2842-2845: "Như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con"
2842. Từ “như” ở đây không phải là trường hợp duy nhất trong giáo huấn của Chúa Giêsu: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48); “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36); “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Chúng ta không thể tuân giữ điều răn của Chúa, nếu chỉ bắt chước mẫu gương của Chúa theo dáng vẻ bên ngoài. Vấn đề ở đây là phải tham dự một cách sống động và “tận đáy lòng” vào sự thánh thiện, vào lòng thương xót, vào tình yêu của Thiên Chúa chúng ta. Chỉ có Thần Khí, “nhờ Ngài mà chúng ta sống” (Gl 5,25), mới có thể làm cho chúng ta có được những tâm tình như Đức Kitô Giêsu đã có[5]. Lúc đó hai việc tha thứ có thể trở nên một, nghĩa là, “biết tha thứ cho nhau như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Ep 4,32).

2843. Như thế, những lời Chúa dạy về tha thứ, nghĩa là về thứ tình yêu “yêu đến tận cùng của tình yêu”[6] là một thực tại sống động. Dụ ngôn về người đầy tớ không biết thương xót, kết thúc giáo huấn của Chúa về cộng đoàn giáo hội[7], được kết thúc bằng lời này: “Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình”. Thật vậy, ở đó, ở “tận đáy lòng”, mà mọi sự bị cầm buộc hay được tháo cởi. Việc không cảm thấy hay quên đi sự xúc phạm không tuỳ thuộc khả năng chúng ta; nhưng một khi trái tim biết tự hiến cho Chúa Thánh Thần sẽ biết biến đổi thương đau thành lòng thương xót, và thanh luyện ký ức bằng cách biến đổi sự xúc phạm thành lời chuyển cầu.

2844. Kinh nguyện Kitô giáo đi đến chỗ tha thứ cho kẻ thù[8]. Lời cầu nguyện biến đổi người môn đệ bằng cách làm cho họ nên đồng hình đồng dạng với Thầy của mình. Tha thứ là một tột đỉnh của kinh nguyện Kitô giáo; chỉ trái tim nào hoà điệu với lòng trắc ẩn của Chúa mới có thể đón nhận hồng ân cầu nguyện. Tha thứ còn minh chứng rằng, trong thế giới này, tình yêu mạnh hơn tội lỗi. Các vị tử đạo, trong quá khứ cũng như hiện tại, đều làm chứng cho Chúa Giêsu về điều này. Tha thứ là điều kiện căn bản cho sự hòa giải giữa con cái Thiên Chúa với Cha của họ[9] và giữa con người với nhau[10].

2845. Việc tha thứ tự bản chất mang tính thần linh này không có giới hạn cũng như mức độ[11]. Nếu đề cập đến “những xúc phạm” (là “tội” theo Lc 11,4 hoặc “nợ” theo Mt 6,12), thì thật sự mọi người chúng ta luôn luôn là những kẻ mắc nợ: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái” (Rm 13,8). Sự hiệp thông của Ba Ngôi Chí Thánh là nguồn mạch và quy luật chân lý của bất cứ tương quan nào[12]. Chúng ta phải sống sự hiệp thông đó trong cầu nguyện, đặc biệt là trong bí tích Thánh Thể[13]:
“Thiên Chúa không nhận tế phẩm của những kẻ gây bất hoà, và Ngài truyền họ hãy rời bỏ bàn thờ, và đi làm hoà với anh em trước đã, ngõ hầu có thể giao hoà với Thiên Chúa bằng những lời nài xin an bình. Hy lễ đẹp lòng Chúa hơn cả là sự bình an của chúng ta, sự hoà thuận, tình đoàn kết của đoàn dân trong sự hợp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”[14].
 
https://www.hdgmvietnam.com/
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thời biểu Phụng vụ Giáo xứ
  THÁNH LỄ
   • Ngày thường
   Sáng : 05:00
   Chiều : 17:30
   • Chúa Nhật
   Chiều Thứ Bảy : 17:30
   Lễ 1 : 05:00
   Lễ 2 : 07:00
   Lễ 3 : 08:30
   Lễ 4 : 17:30

  • CHẦU THÁNH THỂ
   Chúa Nhật : 16:30
   Thứ Năm đầu tháng :
   16:30

  • GIẢI TỘI
   Trước và sau các lễ ngày      thường
  • RỬA TỘI TRẺ EM

   Chúa Nhật đầu tháng : 
     10:00

 
Ý Cầu Nguyện Tháng Sáu
• Ý cầu nguyện: Cầu nguyện cho những người phải rời bỏ quê hương
Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người nhập cư, những người trốn chạy các cuộc chiến tranh hay sự nghèo đói, phải đối diện với những chuyến đi đầy nguy hiểm và bạo lực, có thể tìm thấy lòng hiếu khách cũng như những cơ hội mới về đời sống trong các nước đón nhận.
DGM. MATTHEN NGUYEN VAN KHOI
  ĐGM. MATTHÊÔ NGUYỄN VĂN KHÔI
Lịch Công Giáo Giáo Phận
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi