Số 2232-2233: Đi theo Chúa Giêsu là ơn gọi thứ nhất của Kitô hữu
2232. Các mối liên hệ trong gia đình dù quan trọng, nhưng không phải tuyệt đối. Cũng như đứa trẻ tăng trưởng trong sự trưởng thành và sự tự lập về mặt nhân bản và thiêng liêng, thì cũng vậy, ơn gọi riêng của nó, ơn gọi đến từ Thiên Chúa, cũng được khẳng định một cách rõ ràng hơn và mạnh mẽ hơn. Cha mẹ phải tôn trọng ơn gọi này và khuyến khích con cái đáp trả bằng việc đi theo ơn gọi đó. Phải xác tín rằng ơn gọi thứ nhất của Kitô hữu là đi theo Chúa Giêsu[1]. “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai, con gái hơn Thầy thì không xứng với Thầy” (Mt 10,37).
2233. Trở thành môn đệ Chúa Giêsu là chấp nhận lời mời gọi thuộc về gia đình Thiên Chúa, sống theo cách sống của Người: “Ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12,50).
Cha mẹ phải đón nhận và tôn trọng, với tâm tình vui mừng và tạ ơn, ơn gọi mà Chúa dành cho một người nào đó trong số con cái mình để đi theo Người trong sự trinh khiết vì Nước Trời, trong đời sống thánh hiến hay trong thừa tác vụ tư tế.
Số 537, 628, 790, 1213, 1226-1228, 1694: Bí tích Rửa Tội, chết cho chính mình, sống cho Đức Kitô
537. Kitô hữu, nhờ bí tích Rửa Tội, được đồng hoá một cách bí tích với Chúa Giêsu, Đấng, trong phép rửa của mình, đã tham dự trước vào cái Chết và sự Sống Lại của mình; họ phải tiến vào mầu nhiệm của sự khiêm tốn quy phục và thống hối này, bước xuống nước cùng với Chúa Giêsu để cùng với Người bước lên, và phải được tái sinh bởi nước và Chúa Thánh Thần để trở nên con yêu dấu của Chúa Cha trong Chúa Con và “sống một đời sống mới” (Rm 6,4):
“Chúng ta hãy cùng chịu mai táng với Đức Kitô bằng Phép Rửa, để cùng được phục sinh với Người; hãy cùng bước xuống với Người, để đồng thời cũng được nâng lên; chúng ta hãy cùng đi lên với Ngươi, để đồng thời cũng được tôn vinh”[2].
“Nhờ những gì đã được hoàn thành nơi Đức Kitô, chúng ta biết rằng: sau khi chúng ta được tẩy rửa trong nước và Chúa Thánh Thần từ trời ngự xuống trên chúng ta, thì chúng ta được xức dầu vinh quang thiên quốc và trở thành con cái Thiên Chúa nhờ có tiếng của Chúa Cha nhận cho làm nghĩa tử”[3].
“Cùng chịu mai táng với Đức Kitô...”
628. Bí tích Rửa Tội, mà dấu chỉ nguyên thuỷ và đầy đủ của bí tích này là việc dìm xuống nước, nói lên cách hiệu nghiệm việc Kitô hữu xuống mộ để người ấy cùng với Đức Kitô chết cho tội lỗi, hầu tiến vào một đời sống mới: “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,4)[4].
“Một Thân Thể duy nhất”
790. Khi đáp lại Lời Thiên Chúa và trở nên chi thể của Thân Thể Đức Kitô, các tín hữu được kết hợp mật thiết với Đức Kitô: “Trong thân thể đó, sự sống của Đức Kitô được truyền thông cho các tín hữu là những kẻ, nhờ các bí tích, đã được kết hợp một cách bí nhiệm và thật sự với Đức Kitô chịu nạn và được tôn vinh”[5]. Điều này đặc biệt là thật đối với bí tích Rửa Tội, nhờ bí tích này chúng ta được kết hợp với cái Chết và sự Sống lại của Đức Kitô[6], và đối với bí tích Thánh Thể, nhờ bí tích này “khi chúng ta được tham dự thật sự vào Thân Thể của Chúa, chúng ta được nâng lên đến sự hiệp thông với Người và với nhau”[7].
1213. Bí tích Rửa Tội là nền tảng của toàn bộ đời sống Kitô hữu, là cổng vào đời sống thiêng liêng, và là cửa mở ra để lãnh nhận các bí tích khác. Nhờ bí tích Rửa Tội, chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi và được tái sinh làm con cái Thiên Chúa, được trở thành chi thể của Đức Kitô, được tháp nhập vào Hội Thánh và được tham dự sứ vụ của Hội Thánh[8]: “Có thể định nghĩa một cách đúng đắn và thích hợp rằng bí tích Rửa Tội là bí tích tái sinh chúng ta bởi nước trong Lời Chúa”[9].
Bí tích Rửa Tội trong Hội Thánh
1226. Từ ngày lễ Ngũ Tuần, Hội Thánh đã cử hành và ban bí tích Rửa Tội. Thật vậy, thánh Phêrô tuyên bố với đám đông đang bối rối vì bài giảng của ngài: “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu Phép Rửa nhân danh Chúa Giêsu Kitô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được hồng ân là Thánh Thần” (Cv 2,38). Các Tông Đồ và những cộng sự viên của các ngài ban bí tích Rửa Tội cho những ai tin vào Chúa Giêsu: những người Do Thái, những người kính sợ Thiên Chúa và những người ngoại giáo[10]. Bí tích Rửa Tội luôn gắn liền với đức tin. Thánh Phaolô tuyên bố với viên cai ngục canh giữ ông ở Philipphê: “Hãy tin vào Chúa Giêsu, thì ông và cả nhà sẽ được cứu độ”. Trình thuật kể tiếp: “Lập tức, ông ấy được chịu Phép Rửa cùng với tất cả người nhà” (Cv 16,31-33).
1227. Theo thánh Phaolô Tông Đồ, nhờ bí tích Rửa Tội, tín hữu được hiệp thông vào sự chết của Đức Kitô; họ được mai táng và sống lại với Người:
“Khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người. Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,3-4)[11].
Những người chịu Phép Rửa đã “mặc lấy Đức Kitô”[12]. Nhờ Chúa Thánh Thần, bí tích Rửa Tội là Phép Rửa để thanh tẩy, thánh hóa và công chính hóa[13].
1228. Như vậy, bí tích Rửa Tội là Phép Rửa bằng nước nhờ đó “hạt giống bất hoại” của Lời Chúa đem lại hiệu quả của nó là ban sự sống[14]. Thánh Augustinô nói về bí tích Rửa Tội: “Lời liên kết với một yếu tố vật chất và nó trở thành một bí tích”[15].
1694. Được tháp nhập vào Đức Kitô[16] nhờ Phép Rửa, các Kitô hữu đã chết cho tội lỗi và sống cho Thiên Chúa trong Đức Kitô Giêsu[17], và như vậy họ được tham dự vào sự sống của Đấng Phục Sinh[18]. Khi bước theo Đức Kitô và kết hợp với Người[19], các Kitô hữu có thể cố gắng bắt chước Thiên Chúa, như những người con rất yêu dấu và bước đi trong tình yêu[20], bằng việc uốn nắn các ý nghĩ, lời nói và hành động của mình, sao cho họ có nơi mình tâm tư như đã có trong Đức Kitô Giêsu[21] và sống theo gương Người[22].
Số 1987: Ân sủng làm cho chúng ta nên công chính nhờ đức tin và bí tích Rửa Tội
1987. Ân sủng của Chúa Thánh Thần có sức mạnh công chính hóa chúng ta, nghĩa là, rửa chúng ta sạch tội lỗi, và truyền thông cho chúng ta sự công chính của Thiên Chúa nhờ đức tin vào Chúa Giêsu Kitô[23] và nhờ bí tích Rửa Tội[24]:
“Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta. Thật vậy, chúng ta biết rằng: một khi Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người. Người đã chết là chết đối với tội lỗi, và một lần là đủ. Nay Người sống, là song cho Thiên Chúa. Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa trong Đức Kitô Giêsu” (Rm 6, 8-11).
https://www.hdgmvietnam.com/
Thánh Grêgôriô Nazianzênô, Oratio 40, 9: SC 358, 216 (PG 36, 369).
Thánh Hilariô, In evangelium Matthaei, 2, 6: SC 254, 110 (PL 9, 927).
CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 7: AAS 57 (1965) 9.
CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 7: AAS 57 (1965) 9.
X. CĐ Flôrentinô, Decretum pro Armenis: DS 1314; Bộ Giáo Luật, các điều 204,1. 849; Bộ Giáo Luật Đông phương, điều 675,1.
Catechismus Romanus 2, 2, 5: ed. Rodríguez (Città del Vaticano-Pamplona 1989) 179.
X. Cv 2,41; 8,12-13; 10,48; 16,15.
Thánh Augustinô, In Iohannis evangelium tractatus, 80, 3: CCL 36, 529 (PL 35, 1840).