28.02 Thứ Sáu sau Lễ Tro

Thứ bảy - 26/02/2022 05:50
28.02
Thứ Sáu sau Lễ Tro


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêô (9, 14-15)

Khi ấy, Chúa Giêsu sang miền Gêsarênô, các môn đệ Gioan đến gặp Người mà hỏi: "Tại sao chúng tôi và những người biệt phái thì giữ chay, còn môn đệ của Ngài lại không?" Chúa Giêsu nói với họ: "Làm sao các khách dự tiệc cưới có thể buồn rầu khi tân lang đang còn ở với họ? Rồi sẽ có ngày tân lang ra đi, bấy giờ họ mới giữ chay".
 
Lời Chúa


Suy niệm

Chúa Giêsu cũng theo truyền thống chay tịnh ấy khi nhịn ăn bốn mươi ngày đêm trong sa mạc. Người chay tịnh là để nói lên niềm tín thác tuyệt đối của Người nơi Chúa Cha. Giáo Hội tiên khởi cùng duy trì tập tục chay tịnh của người Do thái, nhưng trong tinh thần mà Chúa Giêsu qui định. Sách Công vụ tông đồ có ghi lại những buổi cử hành phụng vụ, gồm có phần chay tịnh và kinh nguyện. Thánh Phaolô là mẫu mực về chay tịnh trong thời Giáo Hội tiên khởi: mặc dù cuộc sống luôn thiếu thốn, lại phải tự lực cánh sinh, ngài vẫn không ngừng chay tịnh. Trung thành với truyền thống các tông đồ để lại, Giáo Hội luôn khuyến khích các tín hữu chay tịnh với tâm hồn cởi mở đối với ân sủng của Chúa trong khi chờ đợi Người trở lại lần thứ hai.

Mục đích của chay tịnh theo truyền thống Cựu ước và thời Giáo Hội tiên khởi để lại chính là chuẩn bị tâm hồn để gặp gỡ Chúa. Đây là ý nghĩa Chúa Giêsu muốn nêu bật khi trả lời cho các môn đệ của Gioan: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại ăn chay, khi mà chàng rể đang ở với họ? Sẽ có ngày chàng rể ra đi, bấy giờ họ mới ăn chay”.  Như thế, thời của Giáo Hội cũng là thời chay tịnh, chay tịnh không phải giới hạn trong một thời gian, mà phải là tâm tình thường hằng của người Kitô hữu, thường hằng như cái ăn cái uống trong cuộc sống con người.

Của ăn để bồi bổ tâm linh, nhưng trong thực tế nhiều khi vì của ăn, người ta chối bỏ phẩm giá của mình và chà đạp nhân phẩm của người khác, và như vậy cũng chính là chối bỏ Đấng Tạo Hóa. Cơn cám dỗ triền miên trong cuộc sống của con người chính là chỉ sống vì cái ăn và tôn thờ của cải vật chất. Đó là ý nghĩa đích thực của cơn cám dỗ đầu tiên nơi ông bà nguyên tổ, và cũng là ý nghĩa của cơn cám dỗ đầu tiên mà Chúa Giêsu đã trải qua trong sa mạc.

Con người sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. Cứu cánh của con người không phải là thế giới chóng qua này, mà là quê hương vĩnh cửu, đó là điều mà chay tịnh luôn nhắc nhở cho con người. Nhịn một phần ăn, bớt một thức uống sẽ vô nghĩa nếu hành động này không nhằm giúp con người tự do hơn để hướng về Chúa. Nhưng còn nơi nào ưu việt để con người gặp gỡ Chúa cho bằng tha nhân. Do đó, xét cho cùng thì chay tịnh đích thực chính là luôn tìm gặp gỡ Chúa trong tha nhân. Một cách cụ thể là quảng đại chia sẻ liên đới, nhất là với những anh em đang túng cực.

Lạy Chúa, xin Chúa giúp chúng con mỗi ngày một đi sâu vào ý nghĩa đích thực của chay tịnh trong đời sống Kitô hữu của chúng con. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Lịch Công Giáo Giáo Phận
Ý Cầu Nguyện Tháng Sáu
• Ý cầu nguyện: Cầu nguyện cho những người phải rời bỏ quê hương
Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người nhập cư, những người trốn chạy các cuộc chiến tranh hay sự nghèo đói, phải đối diện với những chuyến đi đầy nguy hiểm và bạo lực, có thể tìm thấy lòng hiếu khách cũng như những cơ hội mới về đời sống trong các nước đón nhận.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
{include file="chatbot/chatbot.tpl"}
Gửi phản hồi