26.12 CHÚA NHẬT - THÁNH GIA THẤT LỄ KÍNH

Thứ hai - 27/12/2021 09:25
26.12
CHÚA NHẬT - THÁNH GIA THẤT
LỄ KÍNH

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (2,41-52)

Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết.

Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrusalem để tìm Người. Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại.

Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: "Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con". Người thưa với hai ông bà rằng: "Mà tại sao cha mẹ tìm Con? Cha mẹ không biết rằng Con phải lo công việc của Cha Con ư?" Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói.

Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà. Maria mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng. Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng, trước mặt Thiên Chúa và người ta.
 
Lời Chúa


Suy niệm

Nếu được hỏi gia đình nào là gia đình mẫu gương để các gia đình noi theo, thì hầu hết trong chúng ta, là những Kitô hữu, sẽ trả lời mà không cần suy nghĩ: đó là gia đình Thánh gia. Vậy đâu là những nhân đức mà mỗi gia đình chúng ta cần noi theo nơi gia đình Thánh gia?

Xét một góc cạnh nào đó, ta có thể nói rằng: bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta về một sự lộn xộn xảy ra trong đời sống của gia đình Thánh gia. Thánh Luca thuật lại: theo thường lệ hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt qua. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà hoảng hốt trở lại Giêrusalem mà tìm. Sau ba ngày lo lắng, hai ông bà mới tìm thấy con trong đền thờ.

Khi tìm thấy con, tưởng như mọi lộn xộn kết thúc, thế nhưng mọi lộn xộn không những không kết thúc mà dường như còn lộn xộn hơn. Tin Mừng thuật lại: khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và Mẹ Maria nói với Đức Giêsu: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!”. Qua lời trách mắng của Đức Maria, cứ tưởng trẻ Giêsu sẽ xin lỗi vì đã gây ra lộn xộn cho gia đình và làm cho cha mẹ phải lo lắng. Thế nhưng không phải vậy, thay vì xin lỗi thì trẻ Giêsu có vẻ trách ngược lại: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”. Thật vậy, câu trả lời của trẻ Giêsu làm cho mọi lộn xộn trở nên bế tắc và vượt ra ngoài tầm kiểm soát của Đức Mẹ và thánh Giuse.

Câu trả lời của Chúa Giêsu thật khó hiểu. Khó hiểu là bởi vì, một mặt, qua câu trả lời này, Chúa Giêsu dường như gạt bỏ gia đình, không cần đến cha mẹ của mình là Đức Maria và thánh Giuse. Mặt khác, nếu thực sự gạt bỏ gia đình, không cần đến cha mẹ của mình, thì dường như lại có sự mâu thuẫn giữa lời nói và hành động nơi Chúa Giêsu. Bởi vì, Tin Mừng cho thấy, sau đó, Chúa Giêsu trở về Nadarét cùng với Đức Mẹ và thánh Giuse và hằng vâng phục các ngài.

Thật vậy, nếu chúng ta chỉ đi tìm một sự giải thích cho sự việc hay một cách bào chữa nào đó cho cách cư xử của Đức Giêsu thì câu trả lời trên của Đức Giêsu thật khó hiểu. Bởi vì, nếu suy xét kỹ chúng ta thấy: câu trả lời này của Đức Giêsu không nhằm giải thích sự việc, cũng không nhằm bào chữa cách cách cư xử của Người. Điều mà câu trả lời này nhắm tới là kêu mời Đức Maria và thánh Giuse vượt lên trên bình diện của những mối bận tâm thường nhật nơi gia đình nhân loại hướng đến nhà Thiên Chúa. Hay nói cách khác, đây là một lời mời gọi vượt lên trên bình diện của một gia đình nhân loại để gia nhập vào gia đình Nước Trời, gia đình mà trong đó Thiên Chúa là Cha đầy lòng yêu thương.

Thật vậy, việc Chúa Giêsu ở lại đền thờ mà không báo trước cho Đức Maria và thánh Giuse diễn tả: Người độc lập với Đức Maria và thánh Giuse xét như Người là Con Thiên Chúa. Nhưng với tư cách là con người, Người lệ thuộc vào Đức Maria và thánh Giuse.

Chính vì thế, lễ Thánh gia thất được chọn cử hành vào Chúa nhật sau lễ Giáng sinh. Điều này cho thấy, để làm người, Thiên Chúa cần có một gia đình nhân loại. Thế nhưng mọi sự không chỉ dừng lại nơi gia đình nhân loại, Thiên Chúa muốn đưa mọi người vượt lên trên gia đình nhân loại, hướng đến một gia đình khác quan trọng hơn nhiều, gia đình mà trong đó có Thiên Chúa là Cha đầy yêu thương.

Như vậy, lễ Thánh gia thất hôm nay cho thấy một gia đình thánh là một gia đình trong đó có sự phát triển một cách toàn diện cả về đời sống tự nhiên và đời sống siêu nhiên. Khía cạnh đời sống tự nhiên nơi gia đình là cần thiết cho đời sống siêu nhiên. Nhưng không chỉ dừng lại ở khía cạnh tự nhiên mà phải biết vượt lên trên bình diện tự nhiên hướng đến bình diện siêu nhiên.

Xin Chúa cho các gia đình đừng để những bận tâm đời sống vật chất chiếm hết thời gian để rồi bỏ qua rất nhiều khía cạnh tốt đẹp khác của đời sống gia đình, nhất là khía cạnh siêu nhiên, khía cạnh Nước Trời.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Lịch Công Giáo Giáo Phận
Ý Cầu Nguyện Tháng Sáu
• Ý cầu nguyện: Cầu nguyện cho những người phải rời bỏ quê hương
Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người nhập cư, những người trốn chạy các cuộc chiến tranh hay sự nghèo đói, phải đối diện với những chuyến đi đầy nguy hiểm và bạo lực, có thể tìm thấy lòng hiếu khách cũng như những cơ hội mới về đời sống trong các nước đón nhận.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
{include file="chatbot/chatbot.tpl"}
Gửi phản hồi