22.03 Thứ Ba Tuần 3 Mùa Chay

Chủ nhật - 20/03/2022 10:33
22.03
Thứ Ba Tuần 3 Mùa Chay

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêô (18,21-35)

Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?" Chúa Giêsu đáp: "Ta không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy. Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết, người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc.
Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất cả". Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y. Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc. Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: "Hãy trả nợ cho ta". Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh". Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong. Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến và bảo rằng: "Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?" Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ. Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình".

 
Lời Chúa


Suy niệm

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta về việc tha thứ. Tha thứ là nhân đức mà dường như bất kỳ nền đạo đức nào cũng dạy. Có thể mỗi nền đạo đức có quan niệm khác nhau về sự tha thứ. Phật giáo thì quan niệm: “lấy ân báo oán thì oán sẽ tiêu tan, lấy oán báo oán thì oán sẽ chất chồng”. Hay như “một người nếu tự đáy lòng không thể tha thứ cho kẻ khác, thì lòng họ sẽ không bao giờ được thanh thản”. Có những nền đạo đức thì quan niệm sở dĩ phải tha thứ là vì “sự tha thứ là chìa khóa mở cánh cửa oán trách và chiếc còng tay của hận thù. Nó là thứ sức mạnh có thể phá vỡ xiềng xích của cay đắng và gông cùm của lòng ích kỷ”, William Arthur Ward;  “Giận dữ và không khoan thứ là kẻ thù của sự thông hiểu đúng đắn”, Mahatma Gandhi; “Thấu hiểu chính là tha thứ”, Blaise Pascal.
Mặc dù tha thứ là nhân đức đem đến cho cuộc sống con người muôn vàn điều tốt đẹp, thế nhưng để tha thứ cho những người hết lần này đến lần khác xúc phạm đến mình thì không phải là chuyện dễ. Thế nên người ta mới đưa ra những giới hạn trong việc tha thứ như: Theo truyền thống kinh sư Do thái, Rápbi Jose Ben Hanina nói rằng: “Ai xin người thân cận mình tha thứ không được xin quá ba lần”. Còn theo Rápbi Jose Ben Jehuda: “Nếu một người phạm tội một lần, họ tha thứ cho người ấy; hai lần, họ tha thứ cho người ấy; ba lần, họ cũng tha thứ cho người ấy, nhưng lần thứ tư thì họ không tha thứ nữa”. Hay như dân gian cũng thường nói: “Nhất quá tam” hay “lần này là lần đầu cũng như là lần cuối”.

Từ câu chuyện trong Tin mừng, khi tha nợ cho tên đầy tớ, vị vua không để ý đến món nợ, ông chỉ để ý đến con người của anh ta với những khốn quẫn cùng cực. Ông không để ý đến giá trị hay tương quan của ông với món nợ, ông chỉ để ý đến tương quan của ông đối với người đầy tớ khốn khổ đang cần được ông thương xót. Thế là ông đã động lòng thương và tha nợ hoàn toàn cho anh.

Còn đối với tên đầy tớ, sau khi được tha nợ, anh ta gặp người bạn thiếu nợ anh ta một món nợ rất nhỏ so với những gì anh ta nợ vị vua. Thế nhưng cho dù người bạn đã van xin anh cho khất lại một thời gian, anh ta vẫn không tha cho người đồng bạn của mình. Anh ta không thể tha cho bạn được là vì: anh ta chỉ nhìn đến món nợ, chỉ nhìn đến tương quan của mình với món nợ. Khi người ta chỉ nhìn đến lỗi lầm, những xúc phạm, những món nợ của người khác đối với mình thì người ta thật khó mà tha thứ. Bởi vì lúc đó, tha thứ dường như là một sự thiệt thòi, mà thường thì chẳng ai muốn mình bị thiệt thòi. Như vậy, có một sự đối nghịch trong cái nhìn của vị vua và tên đầy tớ. Nếu tên đầy tớ biết gạt qua món nợ để nhìn đến tương quan tình bạn, tương quan huynh đệ thì chắc chắn anh ta sẽ dễ tha thứ hơn.

Trong đời sống thường ngày của mỗi chúng ta cũng vậy, rất nhiều lần chúng ta không thể tha thứ cho người khác được. Chúng ta không thể tha thứ cho người khác được là vì mình chỉ nhìn đến những thiệt hại, những lỗi lầm mà người khác gây ra cho mình. Nếu chúng ta biết đặt tương quan tình người, tình huynh đệ… lên trên những thiệt hại, những lỗi lầm thì chắc chắn chúng ta sẽ dễ tha thứ cho nhau hơn.

Xin Chúa cho mỗi người chúng con biết đặt tương quan tình người, tình huynh đệ lên trên những thiệt hại, những tổn thương mà người khác gây ra cho chúng con để chúng con biết xót thương và tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng con. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Lịch Công Giáo Giáo Phận
Ý Cầu Nguyện Tháng Sáu
• Ý cầu nguyện: Cầu nguyện cho những người phải rời bỏ quê hương
Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người nhập cư, những người trốn chạy các cuộc chiến tranh hay sự nghèo đói, phải đối diện với những chuyến đi đầy nguy hiểm và bạo lực, có thể tìm thấy lòng hiếu khách cũng như những cơ hội mới về đời sống trong các nước đón nhận.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
{include file="chatbot/chatbot.tpl"}
Gửi phản hồi