16.10 THÁNH PHANXICÔ KÍNH, LINH MỤC TỬ ĐẠO GIÁO PHẬN

Thứ tư - 13/10/2021 19:00
16.10
THÁNH PHANXICÔ KÍNH,
LINH MỤC TỬ ĐẠO GIÁO PHẬN

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêô (10,28-33)

Khi ấy Chúa Giêsu phán với các môn đệ rằng: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục. Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý muốn của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.

Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.”
 


Suy niệm

Thánh Phanxicô I-zi-đo Ga-zờ-len Kính (Isidore Gagelin Kính) sinh ngày 10.05.1799 tại Mông-pe-rơ (Montperreux), Giáo phận Bờ-zan-sông (Besançon), nước Pháp. Năm 18 tuổi, ngày 05.11.1817, Ga-zờ-len nhận ra tiếng Chúa gọi và chập chững bước vào Đại chủng viện Bơ-zan-sông. Sau hai năm tu học, thầy Phanxicô I-zi-đo Ga-zờ-len Kính chính thức xin gia nhập Hội thừa sai Pa-ri (Paris) với ước nguyện sẽ được đi truyền giáo tại Viễn Đông.

Ngày 17.05.1821, thầy Phanxicô Ga-zờ-len chính thức hiện diện trên đất Đàng Trong tại cửa Thuận An, Huế. Đức cha La-bạt-tét (Labartette) chỉ định thầy đến chủng viện An Ninh để học tiếng Việt. Tại đây thầy vừa học tiếng Việt vừa giúp dạy tiếng Latinh cho các chủng sinh và nhận thêm tên Việt: thầy Kính.
Ngày 28.09.1822, Đức cha La-bạt-tét truyền chức linh mục cho thầy Ga-zờ-len Kính tại họ đạo Nhứt Đông, Cổ Vưu, Quảng Trị. Sau khi thụ phong linh mục, cha Ga-zờ-len Kính tiếp tục làm giáo sư chủng viện An Ninh và làm mục vụ tại các vùng lân cận.

Vì tình trạng cấm cách, từ năm 1823, cha quyền đại diện Tô-mát-sen (Thomassin) đã lệnh cho cha Ga-zờ-len đưa các chủng sinh ở chủng viện An Ninh vào Lái Thiêu. Tạm nghỉ công việc ở chủng viện, cha Ga-zờ-len đi làm mục vụ ở Hà Tiên. Năm 1826, cha trở về Đồng Nai, một vùng truyền giáo đã chịu sự tàn phá khủng khiếp của trận dịch hạch, nhiều người chết mà không có bóng dáng của một linh mục để giúp đỡ họ trong giờ sau hết. Vượt qua sự mệt mỏi sau chặng hành trình, cha Ga-zờ-len lao vào giúp đỡ những người đang gặp khốn khổ.
Để hạn chế việc truyền giáo, viện cớ cần người thông ngôn và dịch sách cho triều đình, ngày 16.06.1827, vua Minh Mạng ra lệnh tập trung về Huế ba vị thừa sai: Ta-be Từ (Taberd Từ), Ga-zờ-len Kính và Ô-đô-ri-cô Phương (Odorico Phương). Ngày 01.06.1828, nhờ sự can thiệp của Tổng trấn Lê Văn Duyệt tại triều đình, cha Ga-zờ-len Kính được lên đường trở về miền Nam. Năm 1829 cha trở lại chủng viện Lái Thiêu. Sau khi Đức cha Ta-be Từ được tấn phong Giám mục tại Xiêm (10.05.1830), Đức cha trở về Lái Thiêu, bổ nhiệm cha Ga-zờ-len Kính làm quyền đại diện và giao cho cha địa bàn mục vụ gồm ba tỉnh ở miền Trung: Phú Yên, Bình Định và Quảng Ngãi, tức toàn bộ phần đất của Giáo phận Qui Nhơn ngày nay.

Trong khi thi hành sứ vụ tại Bình Định, một hôm cha được một giáo dân mật báo cho biết nguồn tin được tiết lộ từ một vị quan, là sắp có cuộc truy bắt các linh mục Tây phương trong miền này theo lệnh vua ban hành ngày 06.01.1833. Cha khăn gói lên miền núi Bắc Bình Định, vừa để tạm lánh cuộc truy lùng của triều đình Minh Mạng, vừa để tiếp cận với các bộ tộc thiểu số vùng Trường Sơn mà cha đã dự định từ trước.

Trong lúc cha ẩn trú trên miền núi, nhiều giáo hữu ở Bồng Sơn bị bắt và bị tra tấn để khai thác danh sách và nơi ẩn trú của các linh mục. Biết đoàn chiên bị lâm nạn. Cha viết thư thỉnh ý Đức Giám mục cho cha ra nộp mình nếu điều đó tốt hơn là để đoàn chiên bị tan tác. Cuối tháng 05.1833, cha nhận được thư của Đức Cha Ta-be. Sau đó không lâu, từ họ đạo Long Quan, nơi ẩn nấp cuối cùng, cha đến trình diện với quan tri huyện Bồng Sơn, tỉnh Bình Định. 

Theo lệnh vua Minh Mạng, cha được giải về kinh đô nộp cho triều đình. Đội lính áp giải cha tới Huế vào ngày 23.08.1833. Cha bị giam tại trấn phủ và chịu án xử giảo vào ngày 17.10. 1833 tại Bãi Dâu, Huế. Thi hài của cha được một người học trò cũ của cha Ô-đô-ri-cô và một thầy giảng của cha Zac-ca Phan (Jaccard Phan) cùng với giáo dân rước về an táng tại nhà tư của một linh mục Việt Nam thuộc địa sở Phủ Cam. Trong tiến trình lập hồ sơ các chứng nhân tử đạo, năm 1846, Đức cha Cuy-ê-nô Thể (Cuénot Thể) cho cải táng thi hài cha Ga-zờ-len Kính và chuyển về chủng viện Hội thừa sai Pa-ri. Văn bản xác nhận thi hài cha Ga-zờ-len Kính chịu tử đạo được lập ngày 09.09. 1847.


Ngày 27.05.1900, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã tôn phong cha Phanxicô I-zi-đo Ga-zờ-len Kính lên bậc Chân phước tử đạo và ngày 19 tháng 06 năm 1988 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong ngài lên bậc Hiển thánh. Tại giáo phận Qui Nhơn, lễ Thánh Phanxicô Ga-zờ-len Kính được mừng kính trọng thể vào ngày 17. 10 hằng năm.

Thân lạy thánh Phanxicô, chúng con hết lòng biết ơn Người, vì những gì Người đã làm cho chúng con. Giờ đây trên thiên quốc, xin Người tiếp tục phù hộ chúng con, giúp chúng con noi gương Người, can trường sống đức tin và hăng say truyền giáo, để mở rộng Nước Chúa trên trần gian, và mai sau được về sum họp trên thiên đàng. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Lịch Công Giáo Giáo Phận
Ý Cầu Nguyện Tháng Sáu
• Ý cầu nguyện: Cầu nguyện cho những người phải rời bỏ quê hương
Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người nhập cư, những người trốn chạy các cuộc chiến tranh hay sự nghèo đói, phải đối diện với những chuyến đi đầy nguy hiểm và bạo lực, có thể tìm thấy lòng hiếu khách cũng như những cơ hội mới về đời sống trong các nước đón nhận.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
{include file="chatbot/chatbot.tpl"}
Gửi phản hồi