15.11 Thứ Tư Tuần 32 Thường Niên

Chủ nhật - 12/11/2023 18:00
15.11
Thứ Tư Tuần 32 Thường Niên

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (17, 11-19)

Khi Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, Người đi qua biên giới Samaria và Galilêa. Khi Người vào một làng kia thì gặp mười người phong cùi đang đứng ở đàng xa, họ cất tiếng thưa rằng: "Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi".

Thấy họ, Người bảo họ rằng: "Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế". Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch. Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người: Mà người ấy lại là người xứ Samaria. Nhưng Chúa Giêsu phán rằng: "Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại này". Rồi Người bảo kẻ ấy rằng: "Ngươi hãy đứng dậy mà về: vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi".
 
Lời Chúa


Suy niệm

Sự việc chỉ có người phong cùi Samaria quay trở lại tôn vinh Thiên Chúa và sấp mình dưới chân Chúa mà tạ ơn chắc chắn khiến cho nhiều người Do thái thấy ái ngại. Vấn đề ở chỗ là nó có thực sự đánh động lương tâm họ không?

Lòng biết ơn là đức tính căn bản của con người được dạy từ bé khi bản thân thụ ơn ai. Ta dạy con cái nói lời cảm ơn ai khi họ cho nó cái gì. “Cảm ơn bác, cảm ơn anh, cảm ơn cô, v.v.”. Dạy con cái nói lời cảm ơn, lời biết ơn từ bé, nhưng nghịch lý là càng lớn lên, lời cảm ơn dường như khó nói và thậm chí bị quên lãng. Chúng ta khó nói lời cảm ơn về những gì cha mẹ, thầy cô, hay người khác làm cho chúng ta. Có khi chúng ta không thể nói hoặc thái cực khác là chúng ta nói như bị gượng ép trong khi đó là điều cần nói như một thói quen hằng ngày. Điều này phản ánh một gốc tối khác trong đời sống thường nhật, đó là chúng ta không quen tập nói lời biết ơn. Điều này không hẳn chúng ta vô ơn, nhưng thiếu lòng biết ơn đó đã là sự khiếm khuyết lớn trong nhân cách của một con người.

Từ đó, chúng ta suy nghĩ tới đời sống tôn giáo, đời sống đức tin. Có nhiều người nói tại sao phải cảm ơn Chúa vì cái đó là thành quả nổ lực của tôi mà! Khi suy nghĩ như thế, rõ ràng họ đâu còn tin Chúa. Con tôi thi đậu đại học là cố gắng của nó, sao lại phải xin lễ tạ ơn… Đó là một biểu hiện khác của lối có tôn giáo nhưng thực chất là vô thần thực tiễn. Về lý luận, đó là đúng. Như người phong cùi kia được khỏi bệnh và đi trình diện các tư tế. Người ấy làm đúng như lời Chúa Giêsu nói. Tuy nhiên, lòng biết ơn không chỉ là làm theo lời chỉ dạy của người khác. Ví như cha mẹ bảo con: cảm ơn cô đi con. Đứa bé lập lại. Nhưng kỳ thực lòng biết ơn sâu xa hơn một lời nói, một hành động. Nó phải nằm trong tâm khảm của người nhận ơn. Chúng ta hãy chú ý vào hành động của người Samaria. Biết mình được lành, anh ta liền quay lại sấp mình tôn vinh Chúa. Và sau đó là quỳ dưới chân Chúa Giêsu cảm tạ Người. Lòng biết ơn ở đây không dừng lại là một hành động mang tính nhân bản. Mà là hành vi tôn giáo, hành vi của đức tin: tôn vinh Chúa và tạ ơn Người. Lòng biết ơn và sự chân thành!

Hằng ngày, với biết bao điều chúng ta cần biết ơn Chúa và biết ơn nhau. Hãy tạ ơn Chúa với đức tin của chúng ta. Và cũng hãy biết ơn nhau vì Chúa còn dạy ta nhiều hơn thế.

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết tạ ơn Chúa luôn luôn. Và xin cho chúng con cũng biết qua đó tôn vinh danh Chúa. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Lịch Công Giáo Giáo Phận
Ý Cầu Nguyện Tháng Sáu
• Ý cầu nguyện: Cầu nguyện cho những người phải rời bỏ quê hương
Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người nhập cư, những người trốn chạy các cuộc chiến tranh hay sự nghèo đói, phải đối diện với những chuyến đi đầy nguy hiểm và bạo lực, có thể tìm thấy lòng hiếu khách cũng như những cơ hội mới về đời sống trong các nước đón nhận.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
{include file="chatbot/chatbot.tpl"}
Gửi phản hồi