06.01 Thứ Sáu Mùa Giáng Sinh

Thứ ba - 03/01/2023 18:00
06.01
Thứ Sáu Mùa Giáng Sinh

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (1,7-11)

Khi ấy Gioan rao giảng rằng: "Có Ðấng đến sau tôi, nhưng quyền lực hơn tôi, tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người. Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần."

Và đã xảy ra là trong những ngày đó, Chúa Giêsu từ Nazarét xứ Galilêa đến và chịu phép rửa bởi Gioan ở sông Giođan.
Khi vừa lên khỏi nước, Người liền thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Và có tiếng từ trời: Con là con yêu quí của Cha, con đẹp lòng Cha mọi đàng.
 

Suy niệm

Phép rửa của Gioan dành cho những người hối tiếc về những lầm lỗi của mình và muốn bày tỏ lòng quyết định từ bỏ chúng, dứt khoát với chúng. Nhưng một phép rửa như thế thì liên hệ gì đến Chúa Giêsu? Người há không phải là Đấng vô tội, và một phép rửa như thế há không phải là hoàn toàn không cần thiết, không thích hợp với Người hay sao?

Chúa Giêsu không cần phải ăn năn tội, nhưng đây là lúc mà dân chúng cần quay về với Thiên Chúa, và với phong trào trở về đó, Người quyết định tự hòa mình vào. Có thể có người đang sống thoải mái dư giả, sung túc, nhưng nếu người ấy thấy dấy lên một phong trào có thể đem đến nhiều điều tốt đẹp hơn cho những kẻ nghèo khổ bị chà đạp, phải cư ngụ trong những căn nhà lụp xụp tồi tàn, phải lao động quá sức nhưng lại nhận những đồng lương quá ít ỏi, không có lý do gì để người ấy không chịu đến để hòa mình vào đó. Sự hòa mình thật sự có ý nghĩa khi một người tự hòa mình vào một phong trào không phải vì chính mình nhưng vì kẻ khác.

Bunyan là nhà truyền đạo nổi tiếng, trong một giấc chiêm bao, ông thấy mình đi đến một cung điện được canh giữ cẩn mật, đòi hỏi phải có một chiến trận để tìm đường vào. Tại cổng có một người ngồi, tay cầm bút mực để ghi tên những người dám tấn công, Trong lúc mọi người đang chùn lại thì ông thấy một người dung mạo cường tráng, tiến đến bên cạnh người đang cầm bút và nói "Thưa ông, xin hãy ghi tên tôi". Khi thấy việc trọng đại trước mắt, ông bị buộc phải nói "Thưa ông, xin hãy ghi tên tôi", và đó chính là điều Chúa Giêsu đã làm khi Người đến để chịu phép rửa.

Chẳng có ai nhẹ dạ bỏ nhà ra đi mà không biết mình đi đâu. Người ấy phải biết chắc chắn mình đã hành động đúng. Chúa Giêsu đã quyết định bắt đầu hành động và giờ đây, Người đang chờ đợi dấu ấn của sư chấp thuận về phía Thiên Chúa. Vào thời của Chúa Giêsu, dân Do Thái nói về điều họ gọi là Bath Qol có nghĩa là "con cái của tiếng gọi". Bấy giờ, họ tin là có nhiều tầng trời, trên tầng cao nhất có Thiên Chúa ngự trong một vùng ánh sáng không một ai đến gần được. Thật là hiếm có những cơ hội mà các tầng trời mở ra và Thiên Chúa truyền phán. Theo họ, Thiên Chúa ở xa đến nỗi người ta chỉ nghe được tiếng phán của Ngài vọng lại từ nơi thật xa mà thôi. Với Chúa Giêsu tiếng phán hoàn toàn trực tiếp. Theo thánh Marcô kể, đây là một kinh nghiệm riêng của Chúa Giêsu chứ không mang ý nghĩa bày tỏ cho quần chúng. Tiếng từ trời không nói, "này là Con yêu dấu của Ta" như Matthêô đã ghi lại, nhưng phán thẳng với chính Người rằng "Ngươi là Con Yêu dấu của Ta". Lúc chịu phép rửa, Chúa Giêsu đã quyết định phục tùng Thiên Chúa, và rõ ràng quyết định ấy được chấp thuận, không có nghi ngờ gì cả.

Bấy giờ, Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Người. Ở đây có ý nghĩa biểu tượng, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống như chim bồ câu đáp đậu. Hình ảnh dùng so sánh không phải là ngẫu nhiên. Chim bồ câu tượng trưng cho sự nhu mì. Cả Matthêô và Luca đều kể lại cho chúng ta cách truyền giảng của Gioan. Thông điệp của Gioan là thông điệp của chiếc búa đang đặt gần gốc cây, về việc luyện lọc khủng khiếp, về ngọn lửa thiêu rụi. Đó là một thông điệp cấp báo sự tàn hại, hủy diệt, chứ không phải một thông điệp của những tin tức vui mừng. Nhưng ngay từ đầu, bức tranh về Chúa Thánh Thần được ví sánh với chim bồ câu là một bức tranh nhu mì, hiền hậu, Ngài sẽ chiến thắng nhưng chiến thắng ấy sẽ là chiến thắng của tình yêu thương.

Lạy Chúa, xin cho con được làm con yêu dấu của Chúa. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Lịch Công Giáo Giáo Phận
Ý Cầu Nguyện Tháng Sáu
• Ý cầu nguyện: Cầu nguyện cho những người phải rời bỏ quê hương
Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người nhập cư, những người trốn chạy các cuộc chiến tranh hay sự nghèo đói, phải đối diện với những chuyến đi đầy nguy hiểm và bạo lực, có thể tìm thấy lòng hiếu khách cũng như những cơ hội mới về đời sống trong các nước đón nhận.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
{include file="chatbot/chatbot.tpl"}
Gửi phản hồi