02.02 DÂNG CHÚA TRONG ĐỀN THỜ. LỄ KÍNH

Thứ ba - 31/01/2023 20:11
02.02
DÂNG CHÚA TRONG ĐỀN THỜ. LỄ KÍNH

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (2,22-40)

Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa". Và cũng để dâng lễ vật cho Chúa, như có nói trong Luật Chúa, là một đôi chim gáy, hay một cặp bồ câu con.
Và đây ở Giêrusalem, có một người tên là Simêon, là người công chính, kính sợ Thiên Chúa, và đang đợi chờ niềm ủi an của Israel. Thánh Thần cũng ở trong ông. Ông đã được Thánh Thần trả lời rằng: Ông sẽ không chết, trước khi thấy Ðấng Kitô của Chúa. Ðược Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ ngay lúc cha mẹ trẻ Giêsu đưa Người đến để thi hành cho Người những tục lệ của Lề luật.
Ông bồng Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: "Lạy Chúa, giờ đây, Chúa để cho tôi tớ Chúa ra đi bình an theo như lời Chúa đã phán: vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là Ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa".
 

Suy niệm

Việc dâng Chúa Giêsu vào đền thánh là một hành vi theo luật Môsê, và dưới con mắt người đời thì đây là một việc làm bình thường đối với tất cả các phụ nữ Do Thái sau khi sinh. Vì theo luật Môsê, người phụ nữ sau khi sinh bị coi là ô uế không được bước vào đền thờ, và sau 40 ngày nếu là sanh con trai, và 80 ngày nếu là sanh con gái, thì phải đến đền thờ để cử hành việc thanh tẩy. Ngoài ra, việc dâng con đầu lòng là để nhắc lại biến cố Thiên Chúa cứu dân Do Thái khỏi ách nô lệ Ai Cập qua việc giết chết các con trai đầu lòng của dân Ai Cập.

Thế nhưng trong cái nhìn của lịch sử cứu độ, biến cố dâng Chúa Giêsu vào đền thánh được hiểu là biến cố của cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa với dân Người, và qua đó gặp gỡ với nhân loại. Đấng Mêsia đến trong đền thánh và gặp gỡ với dân của giao ước cũ qua ông Simeon và bà Anna, những người hằng trung tín trông chờ lời hứa cứu độ.
Mọi biến cố xảy đến trong cuộc đời chúng ta thường phân định bởi cái nhìn “hên xui may rủi”. Thế nhưng, cuộc đời không là một cuộc chơi, nhưng là một ân huệ Thiên Chúa tặng ban cho từng người. Qua ân huệ này, chúng ta được mời gọi dự phần vào cuộc sống vĩnh hằng với Thiên Chúa. Để chuẩn bị cho sự sống viên mãn, Thiên Chúa đã và đang đến gặp gỡ với chúng ta trong từng biến cố của cuộc đời. Những cuộc gặp gỡ là những lời mời gọi dấn thân, và củng cố niềm hy vọng vào sự sống mà Chúa đã hứa trao ban cho những kẻ tin vào Người.

Chúng ta chỉ có thể đọc được sự gặp gỡ Thiên Chúa trong các biến cố với một tâm hồn ngay thẳng, hằng trông chờ ngày chiêm ngưỡng vinh quang của Thiên Chúa. Một tâm hồn như thế chỉ có thể có được khi chúng ta khước từ lời mời gọi của những chủ nghĩa thế tục, coi cuộc sống tạm bợ này là cùng đích. Lời mời gọi này luôn làm cho chúng ta hiểu sai lạc về ân huệ của sự sống, để rồi hoặc chúng ta rơi vào một trạng thái hưởng thụ chủ nghĩa, luôn tìm kiếm những khoái lạc, đam mê trần thế, đánh mất lương tâm, sống ích kỷ… hoặc chúng ta rơi vào khoảng trống thất vọng, bi quan, từ đó nảy sinh lòng thù hận, ghen ghét…
Cuộc đời không là một trò chơi may rủi, hên xui, nhưng là ân huệ của Thiên Chúa, do đó chúng ta phải luôn tôn trọng sự sống này. Vì là ân huệ của Thiên Chúa, nên chính trong thân xác đã có sự hiện hữu của sự sống vĩnh cửu. Cho nên chúng ta phải giữ gìn sự sống qua việc tôn trọng thân xác. Chúng ta không biến thân xác trở thành phương tiện để phục vụ cho những sở thích ích kỷ, những đam mê hư hèn của chúng ta. Thân xác là đền thờ của Thiên Chúa, hãy tôn trọng đền thờ này. Thân xác là điểm hẹn của những cuộc gặp gỡ giữa chúng ta với Thiên Chúa, do đó phải loại trừ ra khỏi thân xác những gì làm cản trở cuộc gặp gỡ này. Có như thế chúng ta sẽ nhận ra cuộc sống này quả thật là một ân huệ lớn lao. Và như thế chúng ta đã chiêm ngưỡng được Thiên Chúa ngay chính trong đời sống tạm bợ này.

Lạy Chúa, xin dâng lên Chúa cuộc đời của chúng con, vì chính Chúa là chủ của sự sống. Xin giúp chúng con luôn biết khám phá sự sống đích thật trong chính cuộc đời tạm bợ này, để chúng con không ngừng bảo vệ cuộc sống này bằng việc siêng năng đến với Chúa và khước từ những lời mời gọi thế trần. Xin Chúa thương đến và làm chủ lấy cuộc đời của chúng con. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Lịch Công Giáo Giáo Phận
Ý Cầu Nguyện Tháng Sáu
• Ý cầu nguyện: Cầu nguyện cho những người phải rời bỏ quê hương
Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người nhập cư, những người trốn chạy các cuộc chiến tranh hay sự nghèo đói, phải đối diện với những chuyến đi đầy nguy hiểm và bạo lực, có thể tìm thấy lòng hiếu khách cũng như những cơ hội mới về đời sống trong các nước đón nhận.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
{include file="chatbot/chatbot.tpl"}
Gửi phản hồi