01.12 Thứ Năm Tuần 1 Mùa Vọng

Thứ hai - 28/11/2022 18:00
01.12
Thứ Năm Tuần 1 Mùa Vọng

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêô (7, 21.24-27)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Không phải tất cả những ai nói với Ta, "Lạy Chúa, lạy Chúa!", là được vào nước trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Ta ở trên trời, kẻ ấy mới được vào nước trời. "Vậy ai nghe những lời Ta nói đây và đem ra thực hành, thì giống như người khôn ngoan, đã xây nhà mình trên đá; mưa có đổ xuống, nước có tràn vào, gió bão có thổi đến và lùa vào nhà đó, nhà vẫn không sập, vì nhà ấy được xây trên nền đá. Và hễ ai nghe những lời Ta nói đây mà không đem ra thực hành, thì giống như người ngu đần, xây nhà mình trên cát, khi mưa sa nước lũ, gió thổi và lùa vào nhà đó, nhà sẽ sập và sẽ trở nên đống hoang tàn".
 

Lời Chúa


Suy niệm

Hôm nay là ngày đầu tháng Mười Hai, và cũng là ngày thứ Năm trong tuần đầu tiên của năm Phụng vụ mới. Phụng vụ Giáo hội mở đầu năm mới với Chúa nhật 1 Mùa Vọng, để hướng đến mầu nhiệm nhập thể - lễ Giáng Sinh của Ngôi Hai Thiên Chúa.
Vậy Mùa Vọng là gì? Và người tín hữu cần sống như thế nào cho đúng tinh thần và ý nghĩa của Mùa Vọng? Để hiểu cho thấu đáo Mùa Vọng có ý nghĩa gì, chúng ta cần triết tự để hiểu ý nghĩa gốc từ.

Mùa Vọng: được Giáo hội dịch từ danh từ Hylạp παρουσία (''parousia'' có nghĩa là ''ĐẾN''). Khi dịch sang ngôn ngữ Latin là ''Adventus'' do động từ ''advenirê: nghĩa là: “đến'' (1) có quá khứ là: ''adventum'': ĐÃ ĐẾN. Trong tiếng Anh: bỏ âm /us/ của ''adventus'' để có danh từ ''Advent''.

Nhưng tại sao tiếng Việt lại dịch là vọng? Vọng nghĩa là gì? Mùa Vọng được hiểu như thế nào? ''Vọng'' mang 2 ý nghĩa:

Thứ 1: ''nhìn, hướng lòng về, tin tưởng, trông chờ''. Ví dụ: hy vọng, hay là: kính viễn vọng; Hòn Vọng Phu;/ hy vọng có ngày gặp lại nhau; hết hy vọng rồi! Vọng là: “nhìn - trông chờ”.

Thứ 2: ''vọng'' còn có nghĩa ''đến từ xa, từ nơi khác'', chẳng hạn: Nghe tiếng thầy giảng từ xa vọng lại; / hoặc là: đứng ngoài sân - nói vọng vào.

Thế thì: Ai đến từ xa? Và trông chờ cái gì? Ai trông chờ? Đó chính là: Chúa đến và con người trông chờ Chúa đến. Khi phân tích triết tự cả 3 ngôn ngữ như thế: chúng ta mới hiểu được ý nghĩa thật sự của Mùa Vọng mà Giáo hội muốn diễn tả. Mùa Vọng đích thật là: sự hiện diện, viếng thăm, trông đợi. Mùa Vọng cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa vẫn ở đó, Ngài không rời bỏ khỏi thế gian, mà Ngài đến viếng thăm chúng ta bằng nhiều cách khác nhau.

Như thế, dù đang rất bận rộn với cuộc sống, với công việc làm ăn, với bao lo toan, nhưng Mùa Vọng mời gọi mỗi chúng ta tạm dừng lại để nhận biết rõ ràng sự hiện diện của Thiên Chúa. Trình thuật Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến căn tính của người môn đệ và mời gọi phải sống triệt để thì mới được chung hưởng phần phúc nước Trời với Người, đó là: "Không phải tất cả những ai nói với Ta, ‘lạy Chúa, lạy Chúa!’, là được vào nước Trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Ta ở trên trời, kẻ ấy mới được vào nước Trời”. Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cần tránh lối sống giả hình, đạo đức hão huyền. Không thể sống mãi kiểu đạo đức hình thức bên ngoài.

Như vậy, mỗi chúng ta được mời gọi dấn bước và dám sống kiên định trong những đòi hỏi của Tin mừng. Cách cụ thể là biết sống ý nghĩa đích thật trong Mùa Vọng này. Cho nên trong tuần này của Mùa Vọng, hãy thay đổi, hãy thật sự thay đổi. Bằng cách, mỗi chúng ta cố gắng từ bỏ, cố gắng thay đổi: bắt đầu từ một tật xấu, từ một cám dỗ, từ một tội… mà lâu nay mình vẫn cứ loay hoay, vẫn cứ chai lì trong nó.

Hãy để lòng chúng ta, và con người chúng ta được biến đổi. Bởi lẽ, Mùa Vọng là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa giữa dân Người, và là mùa mà con người được biến đổi và phải biến đổi. Năm Phụng vụ mới là cơ hội để gạt bỏ quá khứ tội lỗi, để mặc lấy con người mới: tinh tuyền thánh thiện.

Lạy Chúa Giêsu, xin thương tha thứ chúng con vì những lần chúng con chai lỳ và ở mãi trong tội. Xin giúp chúng con biết sống thật tình với Chúa và anh chị em trong cuộc đời và nhất là trong Mùa Vọng này. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Lịch Công Giáo Giáo Phận
Ý Cầu Nguyện Tháng Sáu
• Ý cầu nguyện: Cầu nguyện cho những người phải rời bỏ quê hương
Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người nhập cư, những người trốn chạy các cuộc chiến tranh hay sự nghèo đói, phải đối diện với những chuyến đi đầy nguy hiểm và bạo lực, có thể tìm thấy lòng hiếu khách cũng như những cơ hội mới về đời sống trong các nước đón nhận.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
{include file="chatbot/chatbot.tpl"}
Gửi phản hồi