THƯỢNG HỘI ĐỒNG: SUY TƯ THẦN HỌC CỦA GIÁO SƯ ANNA ROWLANDS TẠI PHIÊN HỌP KHOÁNG ĐẠI THỨ IV
“HIỆP THÔNG: TIỆC CƯỚI CON CHIÊN”
Kính thưa Đức Thánh Cha, quý anh chị em thân mến,
Liệu chúng ta có thể tìm được sự can đảm để đối diện với thực tế như nó thực sự là không? Đây là câu hỏi đầy thách đố mà Cha Timothy dành cho chúng ta. Cha đặt ra trước mắt chúng ta nghịch lý về ơn gọi của chúng ta để trở nên giống Đức Kitô: một đàng, chúng ta nghe, nhìn, và cảm nhận tình trạng thế giới, nhưng đàng khác, chúng ta vẫn trung thực với chính mình khi nhận ra rằng chấp nhận thực tế là điều không hề dễ dàng. Phần B1 của Tài liệu Làm việc dẫn chúng ta vào trung tâm của nghịch lý Kitô giáo: Niềm hy vọng và khó khăn, vẻ đẹp và sự tự do của lời mời gọi của Thiên Chúa, cũng như những thách đố của việc lớn lên trong sự thánh thiện. Tài liệu Làm việc sử dụng ngôn ngữ của Hiến chế Lumen Gentium, 1, trong đó mời gọi chúng ta suy tư về sứ mạng của Giáo hội là trở thành dấu chỉ và khí cụ hiệp nhất với Thiên Chúa và với toàn thể nhân loại trong Đức Kitô. Đời sống hiệp thông được ban cho chúng ta như một cách thế cùng nhau sống tình trạng ân sủng trong Đức Kitô, học biết “đón nhận” thực tại một cách nhẹ nhàng, quảng đại, yêu thương, và can đảm vì hòa bình và ơn cứu độ của toàn thế giới.
Do đó, điều trước hết cần nói về sự hiệp thông đó là: Hiệp thông là thực tại sự sống của chính Thiên Chúa, hữu thể của Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Theo nghĩa này, hiệp thông chính là nền tảng của thực tại và nguồn gốc sự hiện hữu của Giáo hội.
Hành động đầu tiên của chúng ta liên quan đến thực tại này là sự chào đón cách vui tươi, không lo lắng, không cạnh tranh. Tham gia vào đời sống hiệp thông là vinh dự và phẩm giá của cuộc đời chúng ta. Hiệp thông là chúng ta hiểu được đâu là mục đích tối hậu Thiên Chúa dành cho toàn thể nhân loại: dẫn đưa thụ tạo mà Ngài yêu thương ngày càng trở nên hoàn thiện hơn vào cuộc sống của chính Ngài, vào trong vòng tay của Ngài, để từ đó, sai chúng ta ra đi canh tân bộ mặt trái đất. Lời mời gọi trở thành Giáo hội phục vụ Vương quốc này được mô tả trong Hiến chế Lumen Gentium, 9: “để trở nên bí tích hữu hình của sự hợp nhất mang lại ơn cứu rỗi cho mọi người và từng người”. Giáo Hội vừa thể hiện vừa mang lại sự hiệp thông với Thiên Chúa, Đấng hiệp thông với mọi thụ tạo. Khi đó sự hiệp thông là sự tồn tại và sự hành động của chúng ta.
Một người bạn nói với tôi rằng: Raymond Brown, một học giả Kinh thánh người Mỹ, rất thích dạy học trò của mình rằng ngôn ngữ koinonia xuất hiện lần đầu tiên trong Tân Ước liên quan đến việc thực hành trao đổi tiền tệ, thể hiện ý tưởng về số tiền chung của Giáo hội. Tiền của – tiền tệ lưu hành của Giáo hội không phải là tiền mặt – trái lại, là sự phong phú của các hồng ân, các đặc sủng, và ân sủng Thiên Chúa tuôn đổ trong Giáo hội, mà Ngài “phân phát […] bằng thẩm quyền của Ngài” (Bas., fid. 3), và chúng ta được kêu gọi để phân định. Là những Kitô hữu đã lãnh phép Rửa, tất cả chúng ta đều có trong tay những ân ban này.
Chúng ta suy tư về sự hiệp thông vừa là lời đầu tiên vừa là lời cuối cùng của tiến trình hiệp hành: khởi điểm và chân trời của lộ trình chúng ta đi. Với Đức Kitô và Thần Khí của Người ở trung tâm, sự hiệp thông chính là sức mạnh của căn phòng này.
Người ta thường nói đùa rằng: Thiên Chúa đã trở thành xác phàm, và các nhà thần học lại biến Ngài thành lời nói… vì thời gian của tôi có hạn nên tôi sẽ chỉ trình bày ngắn gọn về 3 chiều kích khác nhau của sự hiệp thông.
Trước hết, hiệp thông là vẻ đẹp của sự đa dạng trong sự hiệp nhất. Trong thế giới hiện đại có xu hướng vừa đồng nhất vừa phân mảnh, hiệp thông là ngôn ngữ của vẻ đẹp, sự hài hòa của sự hiệp nhất và đa nguyên. Vẻ đẹp này nằm ở chỗ nó tôn vinh sự phong phú và đa dạng của một thụ tạo tán dương Thiên Chúa, một sự đa dạng chỉ kết thúc khi mỗi thụ tạo đã cạn kiệt khả năng sáng tạo của mình, và mọi thứ trở về với Thiên Chúa qua Đức Kitô trong Thánh Thần.
Thánh Bonaventure, nhà thần học vĩ đại dòng Phanxicô, đã viết rất hay về cách mà sự đa dạng của thụ tạo cho phép tất cả các màu sắc khác nhau của ánh sáng thần linh chiếu qua. Ánh sáng thần linh được lĩnh hội trong sự hiệp thông tỏa sáng qua sự đa dạng vinh quang của con người, thụ tạo, văn hóa, ngôn ngữ, phụng vụ, ân sủng, và đặc sủng. Henri de Lubac nhấn mạnh rằng: Giáo hội không bao giờ cạnh tranh với văn hóa. Trong nền văn hóa nơi mình cư ngụ, Giáo hội tuyên xưng và đón nhận Đức Kitô. Sự hiệp thông tỏa sáng là một sự đa dạng đích thực, không cạnh tranh, với một điểm hiệp nhất duy nhất trong Thiên Chúa Ba Ngôi.
Trước tinh thần thế tục thường tôn thờ sức mạnh cạnh tranh và quyết đoán cũng như logic của sự chiếm hữu chiếm ưu thế trong các mối tương quan, Thiên Chúa dẫn chúng ta vào sự hiệp thông khiêm tốn và phục vụ. Jean-Marie Tillard viết rằng, không giống như bất kỳ thực thể nào khác trên thế giới, chính khi ôm lấy sự yếu đuối, đau khổ và nghèo khó mà Giáo hội ‘thành công’ trong việc trở thành dấu chỉ ân sủng của Thiên Chúa. Vẻ đẹp của chúng ta là vẻ đẹp phi thế tục. Phần B1 mời gọi chúng ta lớn lên trong sự hiệp thông bằng việc khiêm tốn suy tư với những người dễ bị tổn thương, những người đau khổ và những người yếu đuối, cũng như về những tổn thương và yếu đuối của Giáo hội. Trong Phần B1, chúng ta can đảm tự vấn làm sao chúng ta có thể gần gũi hơn với những người nghèo nhất, có khả năng đồng hành hơn với tất cả những người đã lãnh phép Rửa trong nhiều hoàn cảnh khác nhau của phận người, loại bỏ những quyền lực giả tạo, gần gũi hơn với các anh chị em Kitô hữu, và gắn kết hơn với các nền văn hóa đặc thù của chúng ta.
Giáo Hội được khai sinh không thể tách rời khỏi bi kịch của con người: một nơi tạm trú, trên Thập Giá, vào ngày Lễ Hiện Xuống. Công giáo tính của chúng ta tiếp tục được sống giữa bi kịch nhân loại của chúng ta. Chúng ta nói về sự hiệp thông, không phải vì một sự hoàn hảo êm đềm nằm ngoài tầm với của chúng ta, mà là vì vị trí cần thiết của chúng ta trong cuộc đấu tranh của mọi nền văn hóa và bối cảnh vì chân, thiện, mỹ. Phần B1 mời gọi chúng ta suy tư cách tích cực về ý nghĩa chúng ta tìm thấy ở những nơi gặp gỡ và khó khăn, để nghe thấy tiếng vang và những khác biệt.
Thứ đến, sự hiệp thông tồn tại trong những thực tại cụ thể và hữu hình. Chính cuộc sống cung cấp bánh cho người đói, chữa lành người đau khổ, mang lại sự thư thái cho người gặp khó khăn. Có lẽ hình ảnh sống động và dễ hiểu nhất của sự hiệp thông là tiệc cưới Con Chiên. Thiên Chúa lôi cuốn các giác quan của chúng ta: nếm, nhìn, cầm lấy và ăn.
Chính trong Thánh Thể là nơi tìm thấy những chiều kích khác nhau của sự hiệp thông: đây là nơi thể hiện sự hiệp thông của các tín hữu, nơi chúng ta nhận được những ân sủng của Thiên Chúa dành cho Dân Chúa. Lệnh truyền mang tính bí tích dạy chúng ta sự hiệp thông bằng việc nuôi dưỡng chúng ta.
Việc mô tả bữa tiệc trong Kinh thánh cũng là một hình ảnh làm đảo lộn những gì được coi là trật tự tự nhiên của sự vật. Trong bữa tiệc, những người không có quyền lực, những người bị khinh thường và đau khổ sẽ là những thực khách được ưu tiên hơn cả. Sở dĩ như vậy là vì Thiên Chúa gần gũi với những người đau khổ và những người đau khổ gần gũi với sự hiểu biết về mầu nhiệm của Thiên Chúa. Một nạn nhân của vụ giáo sĩ lạm dụng đã viết thư cho tôi khi biết tôi sẽ tham dự Thượng hội đồng, anh ấy nói, “Hãy mạnh dạn nói về sự cần thiết của việc chữa lành. Đây là cuộc hành trình Vượt qua mà chúng ta phải cùng nhau bước đi. Và hãy nói với mọi người rằng Thánh Thể là nguồn cứu độ”. Không phải tất cả những nạn nhân sau khi bị lạm dụng đều cảm thấy như vậy, nhưng tôi chia sẻ điều này vì cảm nghiệm này mang tính ngôn sứ về sự hiệp thông; kêu gọi sự hoán cải và loan báo sự thật cốt lõi của đức tin của chúng ta.
Tình bằng hữu của Chúa Giêsu với những người tội lỗi và bị tai tiếng đã tạo thành cộng đoàn các môn đệ thường quy tụ lại với nhau nơi bàn ăn. Và tình bạn trên bàn ăn rất quan trọng. Khi cộng tác với một tổ chức bác ái Công giáo dành cho người tị nạn ở London, tôi đã hỏi những người tị nạn đến nhận trợ cấp lý do họ chọn dịch vụ từ thiện này. Tôi sẽ không bao giờ quên câu trả lời một người trong số họ: bởi vì ở đây tôi được chào đón thân tình, được gọi đích danh, và các nhân viên ngồi ăn cùng bàn với chúng tôi. Điều này cho tôi thấy mình được trân trọng, và mang lại cho tôi phẩm giá của mình. Ở nhiều trung tâm khác, nhân viên không ngồi chung bàn chúng tôi. Phiếu làm việc B1.1 tập trung các cuộc thảo luận của chúng ta vào chính những câu hỏi liên quan đến sự hiệp thông về phẩm giá, trong đó Giáo hội gặp gỡ Đức Kitô, Đấng đã ngồi cùng bàn với những người nghèo nhất.
Cuối cùng, hiệp thông là sự tham gia gắn kết chúng ta với người khác vượt qua rào cản thời gian và không gian. Ngôn ngữ koininia của Kinh thánh mang tính hướng dẫn; nó ngụ ý: “chia sẻ, dự phần, có điểm chung, cùng nhau hành động”; nó là một sự tham gia vào một thực tại chung mà về nguyên tắc không ai bị loại trừ. Nó là một thực tại trở nên chính nó hơn khi nó được tuôn trào ra, lan rộng đến mọi nơi trên thế giới, và được chia sẻ một cách mật thiết và trọn vẹn hơn giữa các Giáo hội. Đón nhận sự thật có nghĩa là luôn có thêm nhiều sự thật hơn để biết.
Chúng ta luôn hành động dựa trên những gì đã xảy ra, hành động dựa trên hiện tại, và hành động hướng tới những gì vẫy gọi trong tương lai - hướng tới sự hiệp nhất và phục vụ Nước Chúa. Những hành động này đã được bắt đầu nhưng chưa hoàn tất. Những hành động này ràng buộc chúng ta với quá khứ - những hành động đem lại hạnh phúc thì cần được duy trì, những hành động gây hại thì cần được hối cải và chữa lành; với việc ca ngợi Thiên Chúa và kêu gọi người lân cận trong hiện tại; và với tương lai mà chúng ta khao khát được đón nhận. Một phần quan trọng giải thích tại sao ngôn ngữ hiệp thông là Vượt qua và do đó là ngôn ngữ đầy hy vọng là vì nó gắn kết quá khứ, hiện tại và tương lai bằng một sợi chỉ vàng. Trong một thời đại mà thường có ý định cắt đứt những mối liên hệ đó, thì đức tin của chúng ta vẫn giữ vững những mối liên hệ đó. Nó là một phần của sự khôn ngoan mang tính định hướng của đức tin dành cho chúng ta.
Thực tại hiệp thông này, huyền nhiệm nhưng hoàn toàn cụ thể, đã tỏa sáng trước mắt chúng ta và vẫn còn ở phía trước chúng ta. Nó được trao hiến như là tấm bánh cho thế giới và như là lời mang lại sự sống. Nó cần được thể hiện trong mọi bối cảnh - địa phương, khu vực, toàn cầu - mà Giáo hội đang sống. Đây là viễn tượng nghịch lý của hy vọng. Đó là thực tại mà trong đó, nếu chúng ta có can đảm, thì Chúa mời gọi chúng ta đặt mình vào đó.